Việt Nam tăng hai bậc trong bảng xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp toàn cầu 2024

Theo báo cáo được thực hiện bởi StartupBlink – nền tảng nghiên cứu nền kinh tế đổi mới toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024 đã tăng hai bậc, từ vị trí thứ 58 lên 56.

hứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (Ảnh minh họa)

Đà Nẵng lần đầu tiên xuất hiện trong Top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu (xếp vị trí thứ 896), trở thành thành phố thứ 3 tại Việt Nam bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157) góp mặt trong bảng xếp hạng. Thành phố Hồ Chí Minh hiện diện trong  Top 100 thành phố toàn cầu ở bốn ngành công nghiệp: Công nghệ tài chính (vị trí thứ 54), Công nghệ giáo dục (vị trí thứ 62), Thương mại điện tử & Bán lẻ (vị trí thứ 71) và Giao thông vận tải (vị trí thứ 87).

Tại Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ năm. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội giữ vững vị trí lần lượt là 6 và 7. Đà Nẵng xếp thứ 22. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp hạng thứ 12. Trong ngành công nghiệp Blockchain, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp thứ 2 và 7 tại Đông Nam Á, và vả hai thành phố cũng nằm trong top 100 toàn cầu trong ngành công nghiệp này.

Việt Nam cũng đứng thứ 31 trên toàn cầu về số lượng startup. Các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo báo cáo, Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn, chủ yếu nhờ vào thị trường kinh tế của Việt Nam có quy mô lớn và đủ sức để hỗ trợ các startup địa phương phát triển và sinh lợi nhuận mà không cần phải mở rộng ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty, tập đoàn đang có ý định dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, Anh và nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương cũng làm tăng thêm sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với các ưu đãi thuế từ Chính phủ, Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Một số nhà đầu tư chủ chốt bao gồm quỹ mạo hiểm Singaporean VC, Antler và 500 Startups. Dự kiến, vốn đầu tư mạo hiểm có thể đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.

P.Hương (t/h)