Tận dụng nguồn đặc sản bưởi trên chính quê hương nơi mình sinh sống, Chị Lê Thị Liên (ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã nghiên cứu tạo ra những sản phẩm giá trị, nâng cao giá trị cây bưởi. Và rượu bưởi Liên House’s ra đời từ chính quê hương Thanh Sơn, Định Quán. Cho đến nay, sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng. Tại Cuộc thi Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024, dự án đa dạng hóa sản phẩm từ cây bưởi của chị Liên được chọn trao giải Nhì.
Quê hương Thanh Sơn nơi chị đang sinh sống là một vùng xa trung tâm của huyện Định Quán. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trong đó cây bưởi da xanh được trồng nhiều trong vùng. Người dân trong xã trồng rất nhiều bưởi da xanh. Gia đình chị cũng có vườn bưởi 5ha đã cho thu hoạch. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày (chiếm 80% dân số). Thị trường trái bưởi tươi còn nhiều bấp bênh. Khi bưởi thu hoạch rộ, thương lái thường ép giá. Có vườn phải bỏ hoặc bán với giá rẻ, thu nhập của người dân không ổn định. Chứng kiến bao vụ mùa thu hoạch giá cả bấp bênh, chị Liên nghĩ tới việc đa dạng hóa sản phẩm để có thể nâng cao giá trị quả bưởi, vừa giảm được tổn thất sau thu hoạch và lãng phí trong nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ khó khăn tại địa bàn.
Để có được sản phẩm bưởi đồng đều, đảm bảo chất lượng và an toàn, chị Liên cùng chị em phụ nữ xã hướng dẫn chị em nơi đây xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, rồi thu mua lại sản phẩm. Bưởi đảm bảo thời gian trồng và chăm sóc sẽ được ấn định thời gian thu hoạch. Ngoài những đơn hàng bán tươi, chị Liên cũng nghiên cứu ra sản phẩm rượu bưởi, vỏ bưởi sấy giòn, sấy dẻo…Riêng về sản phẩm rượu bưởi (cũng có thể gọi là bưởi lên men), chị Liên cho biết được thực hiện dựa trên quy trình ủ truyền thống: Múi bưởi kết hợp với đường phèn được ủ trong chum sành để lên men tự nhiên, không dùng thêm chất phụ gia nào. Còn phần vỏ bưởi sau khi gọt, được xử lý để làm món vỏ bưởi sấy giòn, hoặc sấy dẻo.
Chị Liên cũng nhận thức được, làm rượu bưởi không phải là cách làm mới, tuy nhiên tại một vùng quê thuần tự nhiên như chị, sản phẩm Rượu bưởi Liên House’s của chị đã tận dụng diện tích trồng bưởi lớn, lại chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng ngay tại chỗ để giảm chi phí đầu vào. Nguồn nhân công là các chị, em phụ nữ tại địa phương cũng là lợi thế để cạnh tranh. Sắp tới, chị sẽ mở rộng mô hình liên kết với các hộ dân, hướng dẫn chị em chăm sóc vườn bưởi theo quy trình hữu cơ. Đồng thời, chị đầu tư nhà xưởng đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến. Cách tạo ra cơ hội kinh doanh mới này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp chị em cải thiện đời sống gia đình, nâng cao vai trò của họ trong cộng đồng.
Theo tính toán của chị Liên, trong năm 2023, mô hình chế biến trái bưởi của chị đạt 90 triệu đồng lợi nhuận. Trong đó, chi phí sản xuất chiếm 50% trong tổng doanh thu 180 triệu đồng. Với đà tăng trưởng hiện nay, chị Liên kỳ vọng dự án sẽ tiếp tục phát triển và đạt được mức lợi nhuận khả quan hơn trong thời gian tới. Và để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu chị Liên sẽ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm.
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, các dự án tham gia cuộc thi Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra đời khi đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Các dự án lọt vào vòng chung kết đã thể hiện tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm, phát huy tài nguyên bản địa, và có thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh. Sau cuộc thi, chúng tôi luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án tiếp tục mở rộng các kênh giới thiệu sản phẩm, hoàn thiện và phát triển hơn dự án của mình.
T.Quế