Giải pháp đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai  năm 2023: Thêm ứng dụng cho người làm nông nghiệp

Thuyết trình dự án tại Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST Đồng Nai

Có 6 ý tưởng/dự án xuất sắc đạt giải cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 203, trong đó dự án Hệ thống xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vi trí vùng trồng cùng với sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của nhóm giảng viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) là dự án khởi nghiệp được chọn trao giải nhất.

Giải pháp được nhóm thiết kế bao gồm thiết bị có thể đo được chất dinh dưỡng của đất, nồng độ dư lượng thuốc trừ sâu (NO₃ – nitrat) tồn đọng trong trái cây, thiết bị đo phân bón NPK trong đất. Sau khi thiết bị đo được các nồng độ NO₃, NPK sẽ báo cáo vị trí đo lên hệ thống phần mềm trên Cloud server. Mobile app sẽ giúp các HTX nông nghiệp, hộ nông dân hoặc cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi tình hình liên quan đến nông sản. Giúp người nông dân có thể điều chỉnh lượng phân bón phù hợp với từng loại cây trồng và từng loại đất.

Giải pháp được hoàn thiện cung cấp thêm cho người nông dân biện pháp để làm nông nghiệp hiệu quả: Thông qua việc xác định được nồng độ tồn dư NO₃, NPK sẽ giúp người dân điều chỉnh lượng phân bón, tưới tiêu trong quá trình trồng và chăm sóc cây sao cho phù hợp, đảm bảo chất lượng nông sản đạt các chỉ tiêu cần thiết về nông sản sạch như VietGAP, Global GAP và theo yêu cầu nâng cao hơn của bên hợp tác thu mua.  Chính thiết bị đo phân bón NPK giúp người nông dân xác định thành phần đất nông nghiệp hiện tại. Từ đó sẽ tính toán lượng phân bón phù hợp để không bị dư thừa chất, tiết kiệm phân bón về lâu dài.

Thiết bị của dự án

So vói các dự án nông nghiệp công nghệ số hiện nay, dự án có điểm khác biệt là: người nông dân có thể tự mình đăng ký mã QR và lưu trữ dữ liệu. Trên cơ sở tích hợp những cái có sẵn như thiết bị định vị, thiết bị truyền tin vào trong cùng một thiết bị đo. Cùng với việc ứng dụng công nghệ, tích hợp công nghệ đã có trên Internet để có thể xác định được vị trí vùng trồng, giúp cho người sử dụng có thể dễ dàng dùng bản đồ định vị được để quy hoạch vùng đất canh tác cũng như giám sát vùng trồng của mình.

Theo anh Tạ Quang Hiển, thành viên nhóm tác giả cho biết: Chúng tôi thực hiện dự án vì nhận thấy đất nước Việt Nam ta là một đất nước nông nghiệp, trong đó tỉnh Đồng Nai cũng là địa phương mạnh về nông nghiệp. Làm sao để nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế là một câu hỏi lớn, đòi hỏi sự nỗ lực từ cơ chế chính sách, hợp tác quốc tế và kiểm soát chất lượng nông sản ngày từ những khâu đầu tiên là trồng, chăm sóc. Việc ứng dụng công nghệ số

Dựa vào kinh nghiệm và kiến thức tích lỹ được trong ngành điện tử, từ đó nhóm nghĩ ra giải pháp dùng những thiết bị định vị cũng như truyền tin hiện tại đang phát triển, kết hợp vào những thiết bị đo, giúp cho doanh nghiệp quản lý những dữ liệu truyền tin, từ đó đưa ra được những thông số minh bạch và trung thực nhất, đưa ra những góp ý tốt nhất cho người nông dân để người dân tự điều chỉnh các chỉ số, hàm lượng thức ăn, phân bón… trong quá trình sản xuất.

Theo định hướng của nhóm thực hiện, trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện giải pháp của mình, đưa vào vận hành với các thông số, chỉ số chính xác nhất, giúp được cho người nông dân tạo ra được sản phẩm đạt chuẩn OCOP, GAP…Giúp sản phẩm có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Trong tương lai, dữ liệu về vị trí vùng trồng và hệ thống dữ liệu tích hợp được trong giải pháp sẽ là hệ thống dữ liệu du lịch nông sản của tỉnh Đồng Nai.

T.Quế