Trường đại học Công nghệ Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Xác định cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, nơi trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sẵn sàng khởi nghiệp khi có ý tưởng, sáng tạo. Nên bên cạnh công tác đào tạo chuyên ngành, trường đại học Công nghệ Đồng Nai còn quan tâm đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

* Đã đầu tư không gian khởi nghiệp

Thực hiện chiến lược tạo dựng một ngôi trường đại học có quy mô hiện đại, giúp sinh viên tiếp cận với môi trường đào tạo, sáng tạo và khởi nghiệp tốt nhất; đồng thời thực hiện tốt Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, trường đại học Công nghệ Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp dành cho sinh viên trên diện tích 1.200m2 nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.

TS. Đặng Kim Triết, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học công nghệ, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động cho công tác khởi nghiệp như: đào tạo, nói chuyện chuyên đề, tổ chức ngày hội sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên, phát động và hướng dẫn sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong tỉnh, quốc gia. Đặc biệt, nhà trường cũng dành hơn 2,2 tỷ đồng để thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp – khuyến học nhằm kịp thời hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên của trường.

Trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường đã có nhiều nỗ lực để thực hiện ước mơ khởi nghiệp thành công. Trong đó có nhiều dự án khởi nghiệp đạt giải từ các cuộc thi như: Dự án sản xuất dầu béo từ hạt chùm ngây phục vụ mỹ phẩm, dược và thực phẩm; Dự án sản xuất Giò lụa sạch; Dự án sản xuất nấm linh chi đỏ làm thực phẩm chức năng; Dự án “Tối ưu hóa hỗn hợp dung môi và nhiệt độ để chiết được dầu gạo tối đa với nồng độ cao Gamma-oryfamol cho công thức son môi”; Phòng xét nghiệm y khoa Medic Biên Hòa – Sài Gòn; Nuôi trồng đông trùng hạ thảo phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm; Thiết bị theo dõi và phần mềm quản lý sức khỏe gia đình ICare. Trong đó phần mềm quản lý sức khỏe gia đình ICare do ThS. Nguyễn Quang công tác tại Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ từng đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2020 đã gọi vốn thành công với 100 ngàn USD cho 50% cổ phần.

* Đẩy mạnh gắn kết để phát triển

ThS. Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & Chuyển giao Công nghệ, trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường đã được hình thành, song chưa thật sự sôi nổi bởi chưa có sự kết nối giữa các Khoa trong trường, chưa có sự liên kết giữa trường với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Nhà trường hiện có hơn 6.000 sinh viên thuộc 17 chuyên ngành đào tạo, với hơn 300 giảng viên. Đây là nguồn lực quan trọng để nhà trường thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trong nội bộ trường và tiến tới thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp của từng khoa.

ThS. Trần Thị Hà mong muốn trong thời gian tới nhà trường tiếp tục có sự quan tâm tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên tiếp cận được nguồn Quỹ khởi nghiệp của nhà trường, được kết nối chuyển giao công nghệ thông qua các sự kiện, các cuộc thi. Đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ vốn ban đầu từ các nguồn quỹ nhà nước và doanh nghiệp.

Theo đánh giá từ phía các giảng viên trong trường, việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp khó khăn vì chưa phải là nhiệm vụ thường xuyên, các hoạt động chỉ mang tính chất thời vụ. Phần đông giảng viên và sinh viên xem thông tin cho biết chứ chưa mặn mà tham gia. Một số ý tưởng được hình thành nhưng vẫn thiếu sự dẫn dắt, thiếu kinh phí triển khai dẫn đến buông bỏ.

Trong buổi làm việc với Tổ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Sở Khoa học và Công nghệ, TS. Đặng Kim Triết đã đề xuất hai đơn vị sớm phối hợp triển khai nhiều hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ ban đầu từ nhà nước; Hỗ trợ công tác đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên sâu đối với giảng viên, hỗ trợ chuyên gia nói chuyện chuyên đề với sinh viên; Hỗ trợ phát triển vườn ươm khởi nghiệp để tiếp lửa cho những ý tưởng ban đầu trở thành các dự án; Hỗ trợ tổ chức các cuộc thi và tư vấn tham gia các cuộc thi cấp tỉnh…

Thanh Tâm