Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017. Theo nội dung đã được phê duyệt đến 2025, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học. Đây không phải chỉ dành cho các trường đại học mà còn là nhiệm vụ cần sự phối hợp của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, địa phương để triển khai Đề án.

Một sản phẩm của sinh viên tại Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020:100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đến năm 2025: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp; 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tại Đồng Nai, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đồng Nai đẩy mạnh thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp và tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp như: hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, trung cấp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp…

Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên. Tiến sĩ Đặng Kim Triết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ, Trường Đại học công nghệ Đồng Nai cho biết, với mong ước giúp sinh viên tiếp cận thực tế sản xuất và kinh doanh năm 2018 nhà trường đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp và hỗ trợ 3 tỷ tiền vốn để giúp sinh viên thành lập các nhóm nghiên cứu sang tạo ra sản phẩm mới và thực tập xây dựng mô hình Công ty kinh doanh trong trường làm nơi cho sinh viên thực tập và trải nghiệm, bước đầu đã có hiệu quả rất tốt. Sinh viên đã tự sản xuất ra được 04 sản phẩm mới chuyển giao cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, trường đã sản xuất thành công nước và keo rửa tay sát khuẩn chống dịch và đã được 1 doanh nghiệp ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Một số sản phẩm sáng tạo của sinh viên Đồng Nai

Trường Đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Sau hơn 1 năm triển khai và đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Khởi nghiệp LHU đã có những thành tích đáng khen ngợi, có dự án đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2017, giải Nhất và giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Khu vực phía Nam năm 2017. Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, một số dự án đã đi vào hoạt động thực tiễn có doanh thu và dần dần xây dựng được thương hiệu của mình. Tiêu biểu như Dự án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain” do nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng thực hiện đã xuất sứ giành giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019. Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, hiện công nghệ đang được ứng dụng  cho việc truy xuất nguồn gốc tại hiệp hội cá tầm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Bước đầu, công nghệ nhận được phản hồi tích cực từ phía đơn vị sử dụng, qua đó bảo mật được hoàn toàn thông tin sản phẩm, mã hóa dữ liệu và tương tác với đối tác của hiệp hội trên cơ sở nguồn dữ liệu được ứng dụng.

Bên cạnh đó, Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên như: tổ chức Ngày sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp, qua đó phát huy khả năng sáng tạo, tìm kiếm các tài năng trẻ; liên kết với các doanh nghiệp tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm phù hợp cho các bạn sinh viên trong toàn tỉnh. Đồng thời giúp sinh viên tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về phong trào khởi nghiệp và có thêm động lực về tinh thần, kỹ năng, thông tin để thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp; kết nối, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết thực từ xã hội, các doanh nghiệp cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.

P.Hương