Sở hữu trí tuệ – Động lực của đổi mới sáng tạo

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng có vai trò quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội và phát triển kinh tế, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tại Đồng Nai, hoạt động bảo hộ SHTT đã và đang đạt được những kết quả nhất định, góp phần cùng các doanh nghiệp nâng cao uy tín, thương hiệu trong quá trình hội nhập.

Tham quan các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Đồng Nai nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023

* Tạo môi trường khuyến khích sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo

Đồng Nai đã đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước, tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, thực thi quyền SHTT, hợp tác về SHTT.

Thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 13150/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2025) của tỉnh Đồng Nai và Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện quy trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của bảo hộ tài sản trí tuệ trong môi trường hội nhập hiện nay. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang dự thảo chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Tỉnh cũng đã thúc đẩy hỗ trợ phát triển hệ thống SHTT ở tất cả các khâu tạo lập, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong nước, đưa SHTT thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Hỗ trợ các đặc sản, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng phát triển du lịch để hình thành và phát triển một số thương hiệu mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển tài sản trí tuệ giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tổ chức các buổi tọa đàm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân

Trong công tác nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn về SHTT, Đồng Nai đã tổ chức các Hội thảo nâng cao nhận thức và tạo dựng văn hóa SHTT, khuyến khích tạo ra tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận Hỗ trợ Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Bưởi da xanh Vĩnh Cửu, Bánh Sữa Long Thành, Sầu riêng Tân Phú, Bưởi da xanh Tân Phú, Chôm Chôm Long Khánh. Đặc biệt, đã tổ chức các chuỗi sự kiện chào mừng ngày SHTT thế giới của tỉnh Đồng Nai 2022 bao gồm các hoạt động như:  Talkshow “Sở hữu trí tuệ công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế và tạo nên sự thịnh vượng cho tỉnh Đồng Nai”; diễu hành tuyên truyền; vinh danh các tác giả có sản phẩm được bảo hộ SHTT trên địa bản tỉnh; tổ chức cuộc thi tìm hiểu luật SHTT 2022; Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên, chủ đề “ Văn hóa sở hữu trí tuệ – Nét đẹp của thế hệ trẻ hôm nay ”; thực hiện kết hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù; tổ chức các hội thảo: “Chiến lược sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo trong kỹ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư của vùng Đông Nam Bộ”, “Sở hữu trí tuệ với thế hệ trẻ”, “Phát triển tài sản trí tuệ trong kỹ nguyên số giai đoạn 2022-2025 định hướng 2030”…

Ngoài ra, trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng và phát sóng chương trình trên Đài truyền hình, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về SHTT trên Báo Đồng Nai và các báo chuyên ngành; biên soạn và in ấn tài liệu “Cẩm nang giới thiệu các nhãn hiệu đặc sản và du lịch địa phương tỉnh Đồng Nai” và “Sổ tay hướng dẫn xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ”.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, năm 2022, toàn tỉnh có 17 đơn đăng ký sáng chế, 32 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và gần 1.200 đơn đăng ký nhãn hiệu. Lũy kế từ 2020 đến nay có gần 3.300 đơn đăng ký nhãn hiệu dù là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ đăng ký hơn 95 nhãn hiệu như: xoài Phú Lý, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa, bưởi da xanh Ba Dẩu, khổ qua rừng Hiệp Vân, các sản phẩm chế biến từ sen của HTX Trường Phát …

Tổ chức tư vấn đăng ký sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp

* Thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động sở hữu trí tuệ

Trong chiến lược SHTT đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu: hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và giống cây trồng mới, mỗi năm ít nhất 30 đơn vị, 20 tác phẩm, 1 giống cây trồng; Hỗ trợ xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương, ít nhất 32 nhãn hiệu được chứng nhận; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài với ít nhất 10 nhãn hiệu…

Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược và Chương trình năm 2023 và các năm tiếp theo, sở Khoa học và Công nghệ xác định tập trung thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh, như: thuê các chuyên gia trong nước từ Cục SHTT, Viện Khoa học hoặc chuyên gia nước ngoài trong quá trình tư vấn các chương trình, dự án trong liên quan đến hoạt động SHTT. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, qua đó tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật quốc gia và quốc tế về sở hữu trí tuệ đến cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích đội ngũ này tham gia vào các hoạt động liên quan đến quyền SHTT và thi hành quy định về quản lý hoạt động SHTT trong các cơ sở giáo dục.

Song song đó, đề xuất, kiến nghị các biện pháp để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai Chiến lược và Chương trình trong các năm tiếp theo. Thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành các thủ tục xác lập quyền SHTT tại Việt Nam và nước ngoài; tiếp nhận và xử lý các yêu cầu sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương trong đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn và trình cấp cơ thẩm quyền ban hành văn bản cho phép đăng ký và sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương…

P.Hương