Đồng Nai đẩy mạnh hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025

Nhằm xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Nghị quyết số 29-2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 về mức chi thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức trao thưởng cho các cá nhân đạt giải tại Cuộc thi Thanh niên nông thôn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chương trình OCOP

Sau gần 2 năm thực hiện kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023, các hoạt động mới chỉ dừng ở công tác tuyên truyền các văn bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa tập trung sâu rộng vào các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã xây dựng và thực hiện kế hoạch khởi nghiệp theo chương trình riêng như: “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, Trường Đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Sau hơn 1 năm triển khai và đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Khởi nghiệp LHU đã có những thành tích đáng khen ngợi, có dự án đạt giải cao tại  cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia và khu vực. Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, một số dự án đã đi vào hoạt động thực tiễn có doanh thu và dần dần xây dựng được thương hiệu của mình. Tiêu biểu như Dự án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain”. Hiện công nghệ đang được ứng dụng  cho việc truy xuất nguồn gốc tại hiệp hội cá tầm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Tọa đàm tại Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn đoàn viên thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp như: ban hành Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2022”; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; mở các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chưa đi vào chiều sâu, về cơ bản chưa hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa có các doanh nghiệp khởi nghiệp thực thụ đáp ứng các tiêu chí: doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái, chưa lan tỏa văn hóa khởi nghiệp rộng rãi, đặc biệt là trong đội ngũ thanh niên. Trong quá trình thực hiện kế hoạch tại địa phương, khó khăn nhất là chưa có văn bản quy định cụ thể về chính sách cho các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo đó, ban hành mức chi Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện để thu hút các cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, thu hút các tổ chức cung cấp dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo và tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng khởi nghiệp tích lũy các kiến thức, thử nghiệm các dự án, tạo nền tảng vững chắc trước khi bước vào khởi nghiệp thực sự.

Các nội dung chi gồm: tổ chức sự kiên ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối mạng lưới khởi nghiệp; hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; công tác quản lý, hoạt động chung để triển khai hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

Đồng Nai sẽ tạo điều kiện để thu hút các cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, thu hút các tổ chức cung cấp dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh

Đối tượng được áp dụng là cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; có sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện Đề án 844 tại Đồng Nai.

Theo đó, các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Mức chi trả cho chuyên gia nước ngoài do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình đào tạo sẽ được hỗ trợ 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Đối với việc phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có mức hỗ trợ cao nhất là 30% tổng kinh phí dự án và tối đa 1 tỷ đồng/dự án được phê duyệt.

Các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam.

P.Hương