Đổi mới khởi nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững

Phát triển bền vững đang là xu hướng của toàn cầu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới để hướng đến phát triển bền vững. Ngay cả các doanh nghiệp startup cũng “chạy đua” để bắt kịp xu hướng phát triển bền vững vì họ biết rằng, chỉ có phát triển bền vững mới tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội.

 Sản phẩm chế biến từ sen của một startup tại Đồng Nai

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước nói chung cũng đã bắt đầu quan tâm, nhưng so với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, không chỉ chú trọng vào doanh thu mà còn cần chú trọng vào nền kinh tế xanh, bền vững. Bởi, chúng ta phát triển kinh tế không chỉ dựa theo lợi nhuận, doanh thu mà còn phải đảm bảo phát triển bền vững thì chúng ta mới có thể phát triển lâu dài và hội nhập quốc tế.

Theo kết quả từ Khảo sát “Đổi mới và Khởi nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và bài học rút ra từ thực tiễn cho Việt Nam” được thực hiện bởi Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, MSD Vietnam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững – MSD United Way Việt Nam cho thấy, hiện nay có 85% doanh nghiệp đã tích hợp toàn bộ hoặc một phần các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động của tổ chức. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực: công nghệ, truyền thông và marketing, thương mại điện tử hay AI, Blockchain… chiếm gần 100%.

Báo cáo chỉ ra rằng bên cạnh các doanh nghiệp lâu năm, thị trường cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của các startups trẻ trong việc đưa mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào hoạt động của mình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 100% các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn góp phần mang lại các giá trị doanh nghiệp bền vững, 63.79% hướng tới thúc đẩy sáng kiến và thúc đẩy đổi mới, trong khi một nửa số doanh nghiệp này ưu tiên đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường.Hơn 82.76% doanh nghiệp lựa chọn phương án tích hợp SDGs gắn liền với các hoạt động doanh nghiệp bằng hành động cụ thể đưa tính bền vững vào chiến lược cốt lõi của mình và điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ của họ theo các nguyên tắc hỗ trợ phát triển bền vững.

Theo ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ Tich Thường trực Hội Thiết Bị Y tế TP. HCM, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Tái Chế chất thải Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp phải hướng tới công nghệ xanh bởi sẽ góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn. Khi đã tuân theo những quy định về phát triển xanh thì doanh nghiệp sẽ gặp thách thức về pháp lý, thách thức về về công nghệ và thách thức về tài chính.

Nhiều doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới để hướng đến phát triển bền vững (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất may mặc trong Khu công nghiệp sinh thái Amata)

Khó khăn này cũng thể hiện rõ trong báo cáo kết quả khảo sát “Đổi mới và Khởi nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và bài học rút ra từ thực tiễn cho Việt Nam”. Cụ thể, có hơn 74.14% doanh nghiệp phản ánh rằng họ đang gặp phải các vấn đề về tài chính, 36.21% doanh nghiệp có vấn đề về nguồn nhân lực và 37.93% chủ thể cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên ông Hứa Phú Doãn cho rằng, khi khắc phục được những thách thức đó thì sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp như: giảm thiểu chi phí, phát triển thương hiệu, hội nhập, phát triển những sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu thị trường…

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, Khảo sát cũng đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế như các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), bằng việc đẩy mạnh sử dụng chính sách công nghiệp để khuyến khích doanh nhân cam kết thực hiện SDGs và cung cấp các thông tin dễ tiếp cận hơn về khung pháp lý cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đưa ra chế độ tuân thủ bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thông tin về kết quả tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, xã hội. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ, cho vay hoặc đầu tư vốn cổ phần nhằm hỗ trợ chung cho các sáng kiến bền vững của doanh nghiệp và giúp công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có định hướng rõ ràng trong việc thực hiện SDGs.

P.Hương