Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 08/06/2021. Việc xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi để các DNNVV có cơ hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Hướng tới mục tiêu số lượng  DNNVV  thành lập mới trong giai đoạn là 26.540 doanh nghiệp (tỷ lệ phát triển bình quân 9%/năm). Số lượng việc làm tạo ra trên địa bàn tỉnh khi doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp trong giai đoạn là 265.400 lao động. Đề án đã đề ra một số nội dung hỗ trợ DNNVV như sau:

– Hỗ trợ lãi suất cho vay

– Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV: đào tạo về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DNNVV,…

– Hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

– Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế

– Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

– Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh

– Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

Đối tượng hỗ trợ:

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động (trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018

– Các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có tiềm năng phát triển chuyển đổi thành doanh nghiệp

Nhiệm vụ của các cơ quan đầu mối thực hiện đề án: chủ trì xây dựng quy trình triển khai các nhiệm vụ được giao bao gồm: trình tự, thủ tục để doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia, quy trình lựa chọn, quy trình công bố các nội dung doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, trình tự thủ tục nhận hỗ trợ, cơ chế điều phối các bên liên quan trong thực hiện nội dung hỗ trợ do đơn vị chủ trì theo đúng quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện; làm đầu mối hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ. Cụ thể như sau:

– Sở Kế hoạch và đầu tư:  Chủ trì xây dựng quy trình, thủ tục hỗ trợ đào tạo về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên, Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

– Ngân hàng nhà nước – chi nhánh tỉnh: Chủ trì triển khai các nội dung hỗ trợ lãi suất cho vay

– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:  Chủ trì xây dựng quy trình, thủ tục hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Cục thuế tỉnh: Chủ trì triển khai hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế

– Sở Tư pháp: Chủ trì triển khai các nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

– Sở Công thương: Chủ trì xây dựng quy trình, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

Kim Ngân