5 ngành khởi nghiệp hấp dẫn giới đầu tư năm 2018

Theo Topica Founder Institute (TFI), với 92 thương vụ đầu tư có tổng số vốn là 889 triệu USD, lượng tiền đổ vào các startup Việt năm 2018 tăng 3 lần so với 2017. Những ngành khởi nghiệp thu hút vốn nhiều nhất là Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử), TravelTech (công nghệ du lịch), Logistics và Edtech (công nghệ giáo dục).

Fintech

Vượt qua thương mại điện tử và nhiều ngành khác, Fintech là lĩnh vực dẫn đầu trong những ngành khởi nghiệp hút vốn đầu tư năm 2018 với 117 triệu USD.

Xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 2015, các công ty Fintech sớm phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của người dùng, các tập đoàn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của Fintech. Nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance cho thấy, thị trường Fintech Việt Nam dự kiến tăng lên 7,8 tỷ USD năm 2020.

Tuy nhiên, lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn mới mẻ. Hệ sinh thái của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ và ở giai đoạn đầu nếu so sánh với các thị trường tại ASEAN như Singapore hay Indonesia. 

Các startup hiện nay chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử và cho vay ngang hàng. Thị trường còn thiếu một số mảng như insurtech (công nghệ bảo hiểm), credit scoring (đánh giá điểm tín dụng), equity crowdfunding (đầu tư cộng đồng) và crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)… 

Theo Fintech News, một số công ty Fintech đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Việt Nam lên bản đồ Fintech thế giới, với sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2018. Những cái tên điển hình được nhắc tới là MoMo, Moca, Finhay, Tima, OnOnPay, TrueMoney Vietnam, TomoChain… 

Thương mại điện tử

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, với 53% dân số sử dụng Internet, gần 50 triệu thuê bao dùng smartphone, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán nhiều tiềm năng bùng nổ những năm tới. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đạt 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Việt nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. 

Việt nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. 

Lượng khách mua hàng trên các trang thương mại điện tử tăng đến 2,6%, đạt 49,8 triệu người (chiếm hơn 50% dân số Việt Nam), trong đó có 72% là mua sắm trên ứng dụng di động, theo Vecita. Đại diện Nielsen Việt Nam dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD cuối năm 2020.Số liệu của Statista cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 tăng 29,4%, so với 2017, đưa Việt Nam đứng thứ 6 tong 10 thị trường lớn nhất Đông Nam Á.

Một số dự án thương mại điện tử Việt Nam được rót vốn năm 2018 là Sendo, Beeketing, Hoayeuthuong…

Công nghệ du lịch

Ngành du lịch Việt được xem là tiềm năng vươn mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nhiều bước tiến trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như visa điện tử, quảng bá du lịch bằng kỹ thuật số, công nghệ thực tế ảo, 3D và các ứng dụng thông minh hỗ trợ du khách…

Theo Phạm Mai Linh – CEO Công ty Bill&Bros (đơn vị phát triển nền tảng công nghệ du lịch dành cho cộng đồng Metrip.vn), thị trường đang rộng mở và tương lai hứa hẹn bùng nổ hơn nữa do nhu cầu tận hưởng cuộc sống và sự lan tỏa mạnh mẽ từ hiệu ứng mạng xã hội.  

Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm về du lịch, có tính cạnh tranh cao. Người sử dụng sản phẩm được tiếp cận với nhiều cơ hội đi du lịch bởi tính lan tỏa thông tin đa dạng và nhanh chóng trên các nền tảng công nghệ. Từ đó, nguồn cung cũng gia tăng, nhiều hình thức cung cấp dịch vụ du lịch mới, đa dạng hơn xuất hiện.

“Về phía người làm công cụ như chúng tôi, thị trường nhiều cạnh tranh nhưng thị phần rất lớn. Nếu khéo léo, đi đúng hướng, tôn trọng cộng đồng và có tâm huyết thật sự về việc mang lại giá trị cho nền du lịch thì sản phẩm sẽ có cơ hội thành công cao”, CEO Bill&Bros cho biết.

Năm 2018, 8 thương vụ công nghệ du lịch được rót vốn là: Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure… với tổng giá trị 64 triệu USD.

Logistics

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến làn sóng khởi nghiệp trong ngành logistics, với sự ra đời của nhiều startup như Abivin, EcoTruck, Logivan, FastGo… Đây là một trong những nguyên nhân khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics tại Việt Nam ngày càng sôi động hơn.

Quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 9 tỷ USD với một tỷ tấn hàng hóa, trong đó, phương tiện xe tải đạt số lượng hơn một triệu xe và tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 9,5%. Đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kết nối trung gian có thể tìm kiếm cơ hội.

Ngành vận tải hàng hóa bằng xe tải tại Việt Nam có trị giá tới 23 tỷ USD mỗi năm, trung bình tăng trưởng 14% mỗi năm, nhưng 90% doanh nghiệp vận tải đều là những doanh nghiệp nhỏ, có ít hơn 5 chiếc xe tải.

Trong khi đó, 70% xe tải chạy chiều về không chở hàng. Đây là lãng phí lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 23% GDP, cao hơn nhiều so với Singapore (8%), Trung Quốc (15%)…

Công nghệ giáo dục

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ giáo dục còn được coi là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp trong tương lai. Mỗi năm, người Việt chi 3 – 4 tỷ USD cho con cái ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Cả nước hiện có hơn 23,4 triệu học sinh, sinh viên. 

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục được cho là phù hợp với thị hiếu và xu hướng phát triển của giáo dục.

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục được cho là phù hợp với thị hiếu

và xu hướng phát triển của giáo dục.

Theo CEO Vương Thành Chung của KidsUp (startup phát triển ứng dụng giáo dục sớm ở trẻ em), một trong những lý do anh khởi nghiệp trong lĩnh vực này là giáo dục truyền thống còn khá tốn kém. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế có thể cho trẻ học tại các trung tâm giáo dục sớm, song những trung tâm này thường chỉ xuất hiện tại các thành phố lớn, không có ở nông thôn. Trong khi với một chiếc smartphone, trẻ nhỏ có thể tiếp cận với các phương pháp giáo dục đặc biệt này. Ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục (edtech) được coi là xu hướng chung trong giáo dục toàn thế giới. Công nghệ giáo dục vừa giúp giải quyết các vấn đề trong lớp học, vừa tham gia phát triển, giải quyết các nhu cầu thực tế của cộng đồng học tập.

Nhiều dự án giáo dục nổi bật thu hút vốn đầu tư hàng triệu đô trong thời gian vừa qua là Elsa, Kyna, Monkey Junior…

Theo Vnexpress.