Đồng Nai môi trường tiềm năng cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Ðồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với rất nhiều tiềm lực và điều kiện thuận lợi: cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, có nhiều khu công nghiệp lớn, công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, … Ðây chính là các yếu tố sẽ giúp kinh tế Ðồng Nai phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cũng là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho các bạn trẻ để khởi nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai trong những năm gần đây tiếp tục tăng trưởng cao với cơ cấu hợp lý tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 7,43%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 115 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.952 USD gấp 1,7 lần so với cả nước. Tỉnh Đồng Nai là một trong sáu tỉnh thành có đóng góp số thu ngân sách lớn nhất cả nước, là tỉnh điều tiết về ngân sách Trung ương theo tỷ lệ 47/53%. Riêng năm 2020, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 55.000 tỷ đồng, đạt 105% dự toán Trung ương giao. Tỉnh vẫn tiếp tục giữ vững là một trong các địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp với 31 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 82%. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ đạt được kết quả khả quan, đến năm 2020 đạt mức xuất siêu khoảng 4,3 tỷ USD (cả nước xuất siêu khoảng 20 tỷ USD). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đến nay đạt trên 31 tỷ USD, giải ngân trên 20 tỷ USD với trên 1.500 DA còn hiệu lực; thu hút đầu tư trong nước đến nay có 1.020 DA đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký gần 284.766 tỷ đồng; mỗi năm có trên 3.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đến nay có trên 40.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký trên 340.000 tỷ đồng. Các cấp, các ngành tiếp tục coi doanh nghiệp là động lực chính trong tạo việc làm và thúc đẩy phát triển một nền kinh tế mạnh và năng động.

Hiện nay tỉnh đang tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án Cao tốc: Dầu Giây – Phan Thiết, Dầu Giây – Liên Khương, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, dự án cầu Cát Lái, cầu Bạch Đằng, cầu Phước An … các tuyến đường kết nối Vùng Đông Nam bộ và kết nối các địa phương lân cận có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và đón được các nhà đầu tư lớn vào Đồng Nai. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn. Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ của nền kinh tế khu vực Đông Nam bộ, gần trung tâm kinh tế lớn Tp. Hồ Chí Minh, có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chính là một lợi thế quan trọng để thu hút vốn đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2020, số người trong độ tuổi lao động là trên 1,9 triệu người, chiếm trên 65% tổng dân số của tỉnh. Đây là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ có khả năng cung ứng cho các ngành kinh tế của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 60 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh, đào tạo nghề trên 75.000 người/năm. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tác động rất lớn đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thực hiện kế hoạch triển khai đề án Đề án 844 về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025 của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh  đã ban hành Quyết định số 1523/QĐ – UBND ngày 07/05/2018 về việc phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Với mục tiêu hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Nai; Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, các trường đại học; …Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định nội dung chi, mức chi thực hiên Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có cơ hội được hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, quốc gia hoặc quốc tế. Bên cạnh đó, còn có các chương trình, chính sách ra đời nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp như: Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2022”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025”, Đề án “hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”… Mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 08/06/2021. Một số nội dung hỗ trợ của Đề án như: hỗ trợ lãi suất cho vay, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (đào tạo về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc), hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Các cơ chế chính sách đã được ban hành này tạo nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp được thuận lợi hơn.

Để hoạt động khởi nghiệp phát triển bền vững, hình thành môi trường năng động và sáng tạo phát triển hệ sinh thái thì Đồng Nai cần nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thêm các diễn đàn, cầu nối về khởi nghiệp, tăng cường các hoạt động tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ – du lịch.

N.T.H