Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, nhiều trường đào tạo nghề đã tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận công nghệ, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.
Tại Đồng Nai, để bắt kịp với xu thế thời đại mới, trong những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường dạy nghề đang dần thay đổi xu hướng chung, đầu tư thiết bị giảng dạy mới, tạo điều kiện để sinh viên tăng giờ học thực hành, sớm làm quen với thiết bị máy móc hiện đại. Tại Trường cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2 (Long Phước, Long thành, Đồng Nai) với các nhóm ngành chính như: điện công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ Hàn, kỹ thuật truyền dẫn quang và vô tuyến, kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ, kỹ thuật lắp ráp, sửa chữa máy tính…Trong những năm qua, trường là đơn vị uy tín cung cấp nguồn nhân lực lao động công nghệ cao cho nhiều công ty, đơn vị doanh nghiệp tầm cỡ như: Công ty Vina Tak, Công ty Bosch, Công ty Plus…
Để bắt kịp với xu hướng thời đại công nghệ 4.0, Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2 hiện đang triển khai đào tạo 3 nghề hệ kỹ sư thực hành, 11 nghề cao đẳng nâng cao quốc tế, 4 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức, 3 nghề theo tiêu chuẩn của Pháp…Với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0, trường đã có nhiều chương trình hợp tác với Tổ chức GIZ (Tổ chức hợp tác và phát triển) của Đức cùng nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng chương trình đào tạo. Sinh viên, học viên của trường được học lý thuyết và thực hành song song trên hệ thống máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; có cơ hội kiến tập, thực tập, cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có thể nói, hiện máy móc tại trường Lilama 2 đang là một trong những tóp trường hiện đại bậc nhất Việt Nam. Theo thống kê, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo dõi một tiết học thực hành của sinh viên ngành chế tạo thiết bị cơ khí ở trường cho thấy, thay vì cắt gọt các chi tiết cơ khí bằng tay hay những cỗ máy cơ lạc hậu, thiết bị cắt gọt nay đã được nhà trường trang bị tự động hoàn toàn. Sinh viên chỉ cần thiết kế mô phỏng trên máy tính, sau đó đưa phôi thép vào máy cắt gọt kim loại tự động CNC (Máy cắt gọt kim loại điều khiển bằng chương trình số – Numerical Control) là máy sẽ tự động cắt gọt theo đúng bản vẽ nhanh và chính xác gần như tuyệt đối. Thiết bị tại trường được mua từ Đức, thuộc loại hiện đại như trong một số doanh nghiệp đang sử dụng, do đó sinh viên tốt nghiệp từ trường vào làm việc tại doanh nghiệp không bị lạ lẫm công nghệ.
Để tạo điều kiện cho sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại, nhà trường tiếp tục tục đưa công nghệ thông tin vào tất cả các môn học. Ngoài ra, nhà trường cũng từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất máy móc dạy học thực hành phù hợp với xu thế chung mà các doanh nghiệp đang hướng tới hiện nay. Đối với Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, do vậy chúng tôi cần phải nỗ lực để tiếp tục phát triển. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận công nghệ mới, nhà trường cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo về Cách mạng công nghiệp 4.0 để có điều kiện giao lưu học hỏi nhiều hơn.
Với tiêu chí “Đào tạo theo hướng ứng dụng”, Trường Đại học Lạc Hồng cũng giành sự quan tâm lớn cho việc đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy và học và nghiên cứu, các phòng thực hành được trang bị đầy đủ máy, trang thiết bị hiện đại đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhà trường hiện có 13 phòng thực hành chuyên phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của 4 ngành: Điều khiển và Tự động hóa, Điện tử truyền thông, Điện – Điện tử và Cơ điện tử. Các phòng thực hành được nâng cấp hàng năm. Qua đó, giúp sinh viên làm quen với xu thế công nghệ mới, nhanh chóng hoà nhập với môi trường công nghiệp. Từ năm 2015, nhà trường đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị giàn máy CNC thế hệ mới, tạo cơ hội lớn giúp sinh viên có điều kiện thực tập trên thiết bị hiện đại.
Với sự phát triển ngày càng nhanh của thời đại, yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ của các doanh nghiệp cũng ngày càng khắt khe hơn. Chính vì vậy, để đáp ứng được bài toán khó về nguồn nhân lực đòi hỏi sự đầu tư đổi mới và bắt nhịp với nhịp sống số của công tác đào tạo, đặc biệt là hệ thống đào tạo nghề là điều cần thiết.
Diệu Linh