Xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân và nông sản tại quê nhà, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, xã La Ngà (huyện Định Quán) sau bao ngày trăn trở đã quyết định khởi nghiệp với sản phẩm “Điều rang muối”, một trong những loại quả chủ lực tại địa phương.
Điều trồng trên địa bàn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai
Chị Hằng chia sẻ, La Ngà là xã nông nghiệp của huyện Định Quán, trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu. Địa phương có nhiều loại cây trồng đa dạng như: điều, xoài, quýt, bưởi, sầu riêng… Đặc biệt, trữ lượng điều thu hoạch của nông dân trên địa bàn xã khoảng trên 518,4 tấn/năm. Cây điều trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của nhiều nông dân xã La Ngà.
Giai đoạn 2019 – 2020 vừa qua, giá thu mua hạt điều khô thô không ổn định nên nhiều người dân tìm cách đa dạng hóa sản phẩm từ trái điều để nâng giá trị kinh tế khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm “Điều rang muối” hiện nay được sản xuất tại địa phương chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa có máy móc đầu tư phù hợp, nên không đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cũng nhu đảm bảo thời gian gian bảo quản kéo dài khi đưa ra thị trường. Từ thế mạnh vùng nguyên liệu tại địa phương và mong muốn có cơ hội giúp người dân trong vùng nâng cao giá trị trái điều nông sản nên chị Hằng mạnh dan xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm “Điều rang muối” gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Theo chị Hằng, hiện nay, nhu cầu thị trường về sản phẩm “Điều rang muối” là khá cao nhưng vẫn thiếu sản phẩm chất lượng uy tín do đó sản phẩm của chị Hằng khi đưa ra thị trường thì vấn đề an toàn thực phẩm, sản phẩm sạch sẽ là yêu cầu đầu tiên. Bên cạnh đó, việc tạo dựng sản phẩm điều rang muối sẽ giúp nông dân trồng điều trên địa bàn huyện Định Quán nói chung và xã La Ngà nói riêng tránh bị thương lái ép giá khi vào mùa thu hoạch rộ, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nông sản làm ra không ai mua, hoặc mua giá rẻ trong khi người tiêu dùng phải mua sản phẩm giá thành quá cao và không có cơ hội sử dụng nông sản địa phương.
Để đảm bảo chất lượng “Điều rang muối” thành phẩm ngon, giá cả phù hợp, chị Hằng chọn loại điều chín đều hoặc chín rụng, hạt to không lép, sau đó phơi khô mới tiến hành chế biến. Sản phẩm “Điều rang muối” được hút chân không góp phần lưu giữ hương vị, kiểm soát tốt chất lượng làm tăng giá trị nguồn sản phẩm sau chế biến, thời gian bảo quản sản phẩm kéo dài hơn, đâp ưng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản sạch của người tiêu dùng.
Một trong những bí quyết để sản phẩm phát triển lâu dài trên thị trường, theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, chính là tuyển chọn nguồn nguyên liệu đầu vào. Hạt điều không có mùi hôi dầu, hạt giòn, không yểu, ăn ngon, vị béo ngậy. Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm “Điều rang muối” song hầu như sản phẩm đều bị một trong các lỗi: ăn không béo, bở, cứng. Do rang không đều tay và điều chỉnh nhiệt độ không tốt nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thậm chí có nơi cung cấp sản phẩm ra thị trường nhưng sản phẩm bị mặn, cháy khét hoặc chưa chín kỹ…
Với thế mạnh nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công lao động tại chỗ, chị Hằng cho biết, giá sản phẩm bán ra khoảng 250 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường song chất lượng vẫn đảm bảo tương đồng. Theo chị Hằng, điều rang muối không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng. Cây điều là nông sản thế mạnh của nhiều địa phương trong khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước song đến nay vẫn chưa có địa phương nào tạo dựng được cơ sở chế biến sản phẩm uy tín. Hầu hết điều bán ra thị trường là điều thô, giá cả không ổn định. Những năm gần đây, nhiều nông dân tụ chế biến thủ công điều rang muối song chất lượng thành phẩm chưa đồng bộ, thời gian bảo quản không lâu; không đảm bảo được yếu tố bao bì, không kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm. Đặc biệt do không bảo quản được lâu nên không có khả năng cạnh tranh khi đưa ra tiêu thụ dài ngày trên thị trường. Sản phẩm “Điều rang muối” của chị Hằng có thể khắc phục những yếu điểm này trong sản xuất.
Điểm đặc biệt của sản phẩm “Điều rang muối” này là rang bằng củi thủ công. So sánh cảm nhận cho thấy, điều rang thủ công bằng củi, hương vị tốt hơn, đậm đà hơn do trong quá trình sản suất sản phẩm, người thợ phải luôn theo sát và kiểm soát nhiệt độ, tình trạng chín quả sản phẩm. Do đó, sản phẩm “Điều rang muối” thủ công có màu cánh gián hoặc vàng mật đặc trưng. Sản phẩm hoàn toàn không có chất bảo quản.
Thời gian qua, chị Hằng đã đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ qua nhiều kênh : các điểm du lịch tại địa phương, trực tuyến mạng xã hội… và nhận được tín hiệu tiêu thụ khá tốt từ khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Đỗ Quyên