Gắn bó với nghề trồng rau truyền thống tại địa phương nhiều năm, tuy nhiên đầu năm 2022, anh Trần Thanh Văn, ngụ ở ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) mới bắt tay vào khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau thủy canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về giá trị kinh tế và môi trường.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, nhìn khu nhà lưới với đủ các loại rau thủy canh xanh mơn mởn, không hề bị ảnh hưởng bởi thời tiết, anh Trần Thanh Văn, chủ trang trại trồng rau thủy canh ở ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1 cho biết, trước đây gia đình anh trồng rau theo hình thức truyền thống nhưng hiệu quả không cao. Qua tìm hiểu anh nhận thấy mô hình trồng rau thủy canh là một hướng đi hiệu quả, anh đã tự mình mày mò cũng như đi tham quan thực tế tại các vườn rau canh tác theo phương pháp này trên địa bàn tỉnh cũng như tại tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi đã cơ bản nắm vững được kiến thức, năm 2020 anh quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh rộng 1.200m².
“Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật”, anh Vân chia sẻ.
Qua quá trình canh tác anh Văn nhận thấy, trồng rau theo mô hình này cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40 – 50%, thời gian thu hoạch nhanh hơn 10 ngày so với trồng rau trên đất. Cây rau không phải phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nào nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để thường xuyên có nguồn thu, anh Văn trồng xen kẽ các loại rau ngắn ngày và dài ngày như cải thìa, xà lách, rau thơm… Hiện tại, trang trại rau thủy canh của anh Vân có hàng chục loại rau ăn lá được sản xuất thành công, như: rau dền, cải thìa, xà lách, cải xoăn…
Với 1.200m2 nhà lưới, hiện tại, trang trại của anh Văn đã cung ứng rau sạch ra thị trường Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh với gần 200 kg/ngày, mỗi ngày gia đình anh thu về gần 3 triệu đồng từ trồng rau thủy canh.
Theo anh Vân, mô hình trồng rau thủy canh mang lại nhiều lợi ích, như: không phải tốn công làm đất, không cần tưới, không phải trừ cỏ dại, trừ sâu và các côn trùng có hại trong đất, cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn so với trồng rau bằng phương pháp truyền thống.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp bền vững an toàn sinh học hiện đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thống Nhất triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất, hiện trên địa bàn huyện đã có 21 mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Những mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giảm 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công trong trồng trọt…
Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức tư vấn, định hướng cho hội viên, nông dân, chủ trang trại lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất; đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường kết nối đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.
Thanh Cảnh