Trường Đại học – Thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nên các trường đại học đã có sự chuyển mình trong tư duy nhận thức đến hành động của đội ngũ giảng viên, sinh viên.

Trung tâm Sáng tạo và khởi nghiệp tại trường Đại học Lạc Hồng

* Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên

Tại Đồng Nai, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đồng Nai đẩy mạnh thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp và tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp như: hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, trung cấp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp…

Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên. Tiến sĩ Đặng Kim Triết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ, Trường Đại học công nghệ Đồng Nai cho biết, với mong ước giúp sinh viên tiếp cận thực tế sản xuất và kinh doanh năm 2018 nhà trường đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp và hỗ trợ 3 tỷ tiền vốn để giúp sinh viên thành lập các nhóm nghiên cứu sang tạo ra sản phẩm mới và thực tập xây dựng mô hình Công ty kinh doanh trong trường làm nơi cho sinh viên thực tập và trải nghiệm, bước đầu đã có hiệu quả rất tốt. Sinh viên đã tự sản xuất ra được 04 sản phẩm mới chuyển giao cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, trường đã sản xuất thành công nước và keo rửa tay sát khuẩn chống dịch và đã được 1 doanh nghiệp ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Hòa nhịp cùng với công cuộc khởi nghiệp quốc gia, Đại học Lạc Hồng đã và đang quan tâm xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển đội ngũ giảng viên khởi nghiệp, xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất cho khởi nghiệp, tạo sân chơi cho startup, kết nối các doanh nghiệp có sản phẩm hỗ trợ trải nghiệm khởi nghiệp, xác định các đối tác chiến lược trọng yếu.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, trường luôn  chỉ đạo xuyên suốt nhằm thường xuyên kích thích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Theo đó, trường cử giảng viên tham dự các khóa đào tạo bài bản về kiến thức khởi nghiệp. Đồng thời triển khai thực hiện chính sách đặc cách tốt nghiệp đại học cho sinh viên tham gia cuộc thi khởi nghiệp các cấp. Hỗ trợ kinh phí cho sinh viên tham dự các cuộc thi khởi nghiệp … Song song đó, hàng năm trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên; tổ chức các buổi tọa đàm giữa sinh viên với các nhà khởi nghiệp…

Đặc biệt, trường đang cho xây dựng và vận hành Khu không gian làm việc chung (Coworking Space) có diện tích trên 200 m2 và mời được doanh nghiệp Incomsoft chung tay thiết kế và tài trợ các vật dụng sử dụng trong Khu không gian làm việc chung. “Đây là mô hình đã và đang được nhiều giới trẻ quan tâm và yêu thích, đặc biệt là những ai quan tâm đến câu chuyện khởi nghiệp. Mô hình được tạo ra nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vườn ươm doanh nghiệp, là nơi để gặp gỡ các doanh nhân, các nhà đầu tư cũng và từ đó tích lũy được nhiều kiến thức kinh nghiệm cho các bạn trẻ” – TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng ban đào tạo Hội đồng tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam TS – Trưởng Khoa Quản trị  – Kinh tế quốc tế  cho hay.

Từ thực tế đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong những năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng đã đạt được kết quả đáng khích lệ với nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên đã đạt được những giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Tiêu biểu như dự án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain” của nhóm giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đã đoạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Đồng Nai năm 2019. Hiện công nghệ Blockchain đang được ứng dụng  cho việc truy xuất nguồn gốc tại hiệp hội cá tầm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Bước đầu, công nghệ nhận được phản hồi tích cực từ phía đơn vị sử dụng, qua đó bảo mật được hoàn toàn thông tin sản phẩm, mã hóa dữ liệu và tương tác với đối tác của hiệp hội trên cơ sở nguồn dữ liệu được ứng dụng.

Bên cạnh đó, Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên như: tổ chức Ngày sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp, qua đó phát huy khả năng sáng tạo, tìm kiếm các tài năng trẻ; liên kết với các doanh nghiệp tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm phù hợp cho các bạn sinh viên trong toàn tỉnh. Đồng thời giúp sinh viên tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về phong trào khởi nghiệp và có thêm động lực về tinh thần, kỹ năng, thông tin để thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp; kết nối, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết thực từ xã hội, các doanh nghiệp cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.

* Cần cơ chế đặc thù

Tuy nhiên, đại diện các trường đều cho rằng việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cần thiết, nhưng phải có cơ chế tài chính thích hợp để phát triển.

TS. Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị Kinh tế Quốc tế, đại học Lạc Hồng cho rằng, cần khuyến khích các trường đại học dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên thông qua các không gian sáng tạo chung hoặc các chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Tân, ý tưởng tốt kết hợp với nguồn lực hỗ trợ từ phía nhà nước, doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy đưa hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học phát triển, tạo cơ hội thực hiện khát vọng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên..

Đối với trường đại học Công nghệ Đồng Nai, dù đã xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp – khuyến học hơn 2,2 tỷ đồng nhưng cho đến nay chưa có ý tưởng, dự án nào của giảng viên, sinh viên tiếp cận được do chưa đáp ứng được các tiêu chí của nhà trường.

ThS. Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & Chuyển giao Công nghệ, trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, tiếp cận được nguồn vốn và tiếp cận được thị trường là điều vô cùng quan trọng đối với khởi nghiệp sáng tạo. Do vậy, để thúc đẩy được hoạt động này thì hệ sinh thái trong nhà trường và hệ sinh thái của tỉnh phải hoạt động tốt để có sự bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Các cơ chế tiếp cận nguồn vốn ban đầu cũng cần thoáng hơn để giảng viên, sinh viên có điều kiện tiếp cận.

TS. Mai Hải Châu, Phó Giám đốc Phân hiệu đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai cũng xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xu thế chung, nhà trường sẽ nghiên cứu, phát triển hoạt động này. “Chúng tôi hy vọng sẽ được phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh có cơ chế phát triển vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi tiếp cận được nguồn hỗ trợ ban đầu” TS. Châu nhấn mạnh.

Có thể thấy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được lan tỏa đầy đủ trong các trường đại học thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên tất cả các trường đều mong muốn có những chính sách về vốn, về đào tạo nguồn nhân lực, về kết nối thị trường… kịp thời, hiệu quả.

P.Hương