Tỉnh ủy Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 348-KH/TU ngày 9/05/2024 về triển khai thực hiện Kết luận 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 20). Trong đó, một trong các nhiệm vụ và giải pháp là tập trung thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Nhiều kết quả khả quan về phát triển KHCN
Theo kết luận, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp; việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất công nghiệp; phát huy năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ tri thức KHCN và đẩy mạnh phát triển thị trường, hợp tác phát triển KH&CN; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả nhiều chương trình KH&CN của tỉnh trong từng giai đoạn; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và hoạt động quản lý của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và các hệ thống quản lý tiên tiến; nâng cao ý thức bảo hộ sử hữu trí tuệ đối với thương hiệu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập; nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và thị trường của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…
Việc ứng dụng KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐN tại địa phương đã góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); hoạt động KH&CN của tỉnh được đổi mới về cơ chế quản lý, đã huy động được nhiều nguồn lực từ các ngành, các cấp và thu hút nguồn nhân lực KH&CN ngoài tỉnh tham gia thực hiện theo các chương trình mục tiêu KH&CN đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động KH&CN cũng còn nhiều hạn chế. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN còn thấp; nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chưa có chính sách thu hút, giữ chân được nhân lực trình độ cao tham gian các hoạt động nghiên cứu KHCN và ĐMST; việc đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN chưa được quan tâm nhiều; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai về KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp chưa thực sự được xác định là trung tâm, đóng vai trò quyết định trong hoạt động KHCN&ĐMST, do đó chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội…
KHCN&ĐMSTthực sự là động lực quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, trung tâm KHCN&ĐMST, đi đầu trong phát triển công nghiệp, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; hướng đến hoàn thành mục tiêu Net Zero.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, xác định KHCN&ĐMST thực sự là động lực quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 62,8%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối đa 45%; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển có trình độ sau đại học đạt 12 người/vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng tối thiểu 20%/năm; tối thiểu 75% nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn… Đây là các mục tiêu trong kế hoạch phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) mà Tỉnh ủy Đồng Nai đặt ra trong thời gian tới.
Để triển khai Kế hoạch và thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Nai xác định các nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KHCN&ĐMST; Cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng, thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo bước đột phá để chuyển nhanh nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, tiến bộ KHCN&ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST; nâng cao tiềm lực KHCN, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN…
Đặc biệt, tập trung phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi công nghệ; ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các nhiệm vụ KH&CN gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Thanh Cảnh