Lao động nữ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với những ngành nghề đòi hỏi sự khéo léo và linh hoạt như như: may mặc, giày da, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… Việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chiến lược để hỗ trợ lao động nữ tham gia đổi mới sáng tạo cũng sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dưng mô hình cụ thể
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều khởi sắc. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thực hiện trên nhiều mặt như hỗ trợ vốn, hỗ trợ truyền thông, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kết nối sản phẩm…
Để có cơ sở nhằm xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ triển khai đề tài cấp tỉnh “Sự tham gia đổi mới sáng tạo của lao động nữ trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: Thực trạng và giải pháp”. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Nhung làm chủ nhiệm.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các mô hình thúc đẩy công nhân nữ tham gia đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp theo hướng bền vững, lâu dài. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chiến lược cụ thể phù hợp với thực tế sự tham gia đổi mới sáng tạo của công nhân nữ trong các khu công nghiệp; hỗ trợ cho họ tham gia hoạt động khởi nghiệp đối mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.
Theo nhóm nghiên cứu, đề tài sẽ tập trung xem xét sự tham gia vào đổi mới sáng tạo và các yếu tố ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tạo của lao động nữ trong các khu công nghiệp; đồng thời xây dựng các mô hình khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo; đề xuất một số giải pháp chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo ở lực lượng lao động nữ – lực lượng đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp.
“Nghiên cứu như một đánh giá tinh thần đổi mới sáng tạo của nữ lao động trong hòa nhập giới vào môi trường lao động đầy tính cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, cũng như sự bình đẳng giới trong các cơ hội tăng năng lực kinh tế và cải thiện con người”, TS. Nguyễn Thị Nhung, Chủ nhiệm đề tài cho hay.
Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới, trong đó lực lượng lao động nữ của các ngành như dệt may, da giày, điện tử chiếm tỷ lệ rất cao.
Đồng Nai hiện có 32 Khu công nghiệp, phân bố rộng khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, cơ cấu công nghiệp có 5 ngành chính, chiếm khoảng 80% lao động, bao gồm: dệt may, giày da, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí. Lao động nữ chiếm khoảng 60% trong tổng số lao động; một số ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử thì tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 80%. Với tỷ lệ đó, lao động nữ đóng vai trò sống còn với nhiều doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Nhung, Chủ nhiệm đề tài cho biết, để hỗ trợ lao động nữ đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể hỗ trợ những khóa đào tạo về marketing, tăng cường các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số; khơi dậy các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Chủ trì hội đồng tuyển chọn đề tài, ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở KH&CN cho biết, các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất triển khai đề tài. Tuy nhiên, yêu cầu đơn vị thực hiện cần chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu đặt hàng và điều kiện thực tế của tỉnh Đồng Nai như: mở rộng đối tượng khảo sát; bổ sung nhân lực nghiên cứu chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đưa ra các sản phẩm trung gian trong quá trình thực hiện…
Minh Khôi