Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học

Những năm gần đây, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, giảng viên.

Đại học Đồng Nai tổ chức tọa đàm chia sẻ về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng làng Học sinh – sinh viên sáng tạo Techfest quốc gia nhận xét, đồng hành với Đồng Nai trong nhiều năm, Làng Học sinh – sinh viên sáng tạo đã tham gia nhiều hoạt động như: truyền cảm hứng, cung cấp các chuyên gia, hỗ trợ các hoạt động đào tạo, kết nối với các nhà đầu tư…và nhận thấy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học ở Đồng Nai ngày một khởi sắc.

Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, Chủ nhiệm Ban điều hành hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh cho biết, trường Đại học Lạc Hồng đã đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các hoạt động chính như: tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên; tổ chức tọa đàm giao lưu với các nhà khởi nghiệp thành công và thất bại; tổ chức sinh viên giao lưu đối thoại về khởi nghiệp ở khu vực và quốc gia; tổ chức ươm tạo dự án tại Coworking Space của nhà trường; tổ chức đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên (SIYB, CEFE, ACSE, IPP, MEP)… Đặc biệt, tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp khu vực và quốc gia đạt được nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh, cấp Bộ đến cấp Quốc gia. Trường Đại học Lạc Hồng đã được Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia (VCCI) tôn vinh Trường tiêu biểu Khởi nghiệp phía Nam. Năm 2024, Đại học Lạc Hồng tham gia Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam (VNEI).

TS. Nguyễn Văn Lý, Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai chia sẻ, những năm vừa qua, trường luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên. Hiện CLB khởi nghiệp trong sinh viên của trường đã hoạt động được 3 năm nay và hoạt động khá hiệu quả với nhiều ý tưởng khởi nghiệp được đưa ra. Đã có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thành lập được các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả. Có thể nói hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đem lại cho sinh viên thế chủ động trong con đường lập thân, lập nghiệp của mình.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị

Trong những năm qua, Đại học Công nghệ Đồng Nai cũng quan tâm hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của trường, giảng viên và sinh viên nhà trường đã tham gia tích cực các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giành được những giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, một số dự án nổi bật như: sản xuất chả lụa sạch, phần mềm và thiết bị theo dõi sức khỏe gia đình ICare, các dự án ứng dụng sản xuất các sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp…

Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học, theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng làng Học sinh – sinh viên sáng tạo Techfest quốc gia, chính quyền cần tạo ra chính sách hỗ trợ và cơ chế quản lý để phát triển môi trường khởi nghiệp. Các cơ sở giáo dục cung cấp các khóa đào tạo, nghiên cứu và tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên khám phá cũng như áp dụng ý tưởng kinh doanh. Doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đồng hành, tài trợ và hỗ trợ tư vấn cho các startup trong quá trình phát triển kinh doanh.

TS. Nguyễn Văn Lý cho rằng, để thu hút và tạo cơ sở cho sinh viên khởi nghiệp, nhà trường cần tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích sinh viên tích cực khởi nghiệp bao gồm: Sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường trong việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thành lập các ban hỗ trợ khởi nghiệp có bộ phận chuyên trách và cố vấn; xây dựng cơ chế chính sách cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến quyền lợi của sinh viên tham gia; phát huy vai trò của Câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tư vấn và sinh viên nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về khởi nghiệp; đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và đối tác liên quan…

TS. Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh, phải thực hiện phương châm “Nhà trường là nền tảng, các thầy cô giáo là động lực, sinh viên là trung tâm, là chủ thể của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” song song với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị nhằm khích lệ, động viên và tạo điều kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên trong thời gian tới.

P.Hương