Tài sản trí tuệ là giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. PGS.TS. Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC), thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã có những chia sẻ về việc thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp.

PGS.TS. Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC)

PV: Thưa Phó Giáo sư! SHTT có vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo?

PGS.TS. Từ Diệp Công Thành: SHTT là một trong những tài sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức, tạo lợi thế cạnh tranh cũng như khẳng định tiềm lực khoa học công nghệ của mỗi quốc gia. Hiện nay, chúng ta cũng như toàn thế giới xem SHTT là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hầu như các tài sản vô hình như là tài sản trí tuệ nói chung mang lại khoảng  80% – 90% giá trị của một doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, đối với Việt Nam cũng như là thế giới, chúng ta sẽ thúc đẩy phát triển SHTT để từng bước tiếp cận và nhanh chóng tiến vào nền kinh tế tri thức.

Hiện nay, SHTT là một trong những đặc điểm quan trọng, cốt lõi trong hầu như tất cả các hiệp định, hiệp ước thương mại song phương cũng như đa phương, đặc biệt là các hiệp ước của FTA…Những hiệp ước này càng ngày càng khắt khe hơn nữa, đưa SHTT trở thành một trong những vấn đề cốt lõi trong thỏa thuận thương mại tự do hay thỏa thuận thương mại song phương. Bởi vậy, thời gian tới, việc bảo hộ SHTT  là bắt buộc để chúng ta mở cánh cửa bước vào thị trường thương mại toàn cầu.

PV: Thời gian qua, Trung tâm IPTC đã kết nối với các doanh nghiệp, các tập đoàn thực hiện tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị tài sản trí tuệ. Ông có thể chia sẻ về những vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm trong việc phát triển tài sản trí tuệ?

PGS.TS. Từ Diệp Công Thành: Để kết nối với doanh nghiệp, chúng tôi đã tiếp cận với Hiệp hội Doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp địa phương qua các Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học và Công nghệ. Cùng với việc tập huấn, cung cấp thông tin hữu ích về SHTT cho các doanh nghiệp, chúng tôi cũng hiện tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho một số doanh nghiệp nếu đủ trình độ, điều kiện thì có thể chuyển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như đăng ký các sáng chế, giải pháp hữu ích của doanh nghiệp.

Từ thực tế, kinh nghiệm của bản thân khi tham gia tập huấn cho các doanh nghiệp, tôi nhận thấy rằng hiện doanh nghiệp chỉ mới tập trung vào bảo hộ SHTT cho nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp như bao bì sản phẩm, logo, thương hiệu. Ở Việt Nam, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hoạt động nghiên cứu của họ không nhiều, ví thế những tài sản hình thành từ hoạt động nghiên cứu để đăng ký được sáng chế và giải pháp hữu ích vẫn còn hạn chế.

Tôi nghĩ rằng hiện nay, các doanh nghiệp đã bước đầu nhận thấy được những tranh chấp không cần thiết và việc đánh cắp tài sản trí tuệ nói chung, nhãn hiệu, kiểu dãng công nghiệp cũng như là những bí mật trong kinh doanh, bí mật công nghệ, chính vì thế mà số lượng đăng ký bảo hộ SHTT của các doanh nghiệp đã tăng lên. Hy vọng trong thời gian tới, nếu họ được hiểu biết đầy đủ hơn về SHTT, chẳng hạn như trả lời được câu hỏi: “Vấn đề của tôi có đăng ký được SHTT hay không?” thì họ sẽ sẵn sàng đăng ký.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giá trị cốt lõi của họ chính là tài sản trí tuệ. Bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nào cũng phải ươm một công nghệ, tạo ra một sản phẩm mới, giải pháp mới. Đó chính là tài sản trí tuệ. Nếu doanh nghiệp không đăng ký và bảo hộ ngay thì vô tình có thể đánh mất.

Trường Đại học Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mantis Việt Nam và Trung tâm IPTC ký kết hợp tác về phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ

PV: Theo ông, nhà nước cần có biện pháp, chính sách gì để thúc đẩy hoạt động SHTT trong doanh nghiệp?

PGS.TS. Từ Diệp Công Thành: Đảng, Chính phủ, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển tài sản trí tuệ. Chính vì vậy đã có những chương trình phát triển tài sản trí tuệ từ năm 2021-2030. Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN đã ban hành các chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ. Thông qua chương trình phát triển tài sản quốc gia thì Sở KH&CN của các địa phương cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, các hoạt động SHTT cũng bắt đầu diễn ra, đi vào chiều sâu ở tất cả các lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương.

Như chúng ta đã biết, khi bắt đầu tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thì Nhà nước buộc phải sửa luật SHTT theo lộ trình và phải nâng cấp thường xuyên để bảo hộ tài sản trí tuệ, tránh việc đánh cắp của các quốc gia thương mại tự do với mình.

Đối với doanh nghiệp có giải pháp công nghệ, khi quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư thì họ sẽ quan tâm có tài sản trí tuệ không, nếu có thì họ đầu tư rất nhiều, nếu không có thì họ đầu tư rất giới hạn. Thứ hai bản thân doanh nghiệp nhận thấy được vấn đề của mình về lợi thế cạnh tranh, góp vốn tài sản…để thu hút đầu tư. Khi tài sản trí tuệ nhiều thì sẽ hình thành chiến lược quản lý tài sản trí tuệ cũng như khai thác tài sản trí tuệ một cách tối ưu.

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các diễn đàn về SHTT thì tôi thấy có khoảng cách giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hai bên chưa bắt tay nhau được. Một bên có tiền, có cơ chế nhưng không thể làm thay vì là cơ quan quản lý nhà nước, còn một bên là doanh nghiệp muốn làm nhưng để làm được cũng là một điều khó

PV: Vậy theo ông, cần làm gì để xóa bỏ được khoảng cách này?

PGS.TS. Từ Diệp Công Thành: Khoảng cách này đến từ lỗi của những đơn vị như chúng tôi. Hiện nay các công ty luật bên ngoài thực hiện đăng ký SHTT cho doanh nghiệp nhưng họ cũng chỉ làm nhãn hiệu, kiểu dáng. Còn những vấn đề đi vào khoa học, giải pháp công nghệ thì lại vướng bởi họ không có hiểu biết đầy đủ về giải pháp công nghệ đó. Bản thân doanh nghiệp cũng đặt ra câu hỏi như: vấn đề của tôi có đăng ký được sáng chế hay không?

Đối với Trung tâm IPTC, chúng tôi thì có đội ngũ chuyên gia có thể thể hỗ trợ và giải đáp những câu hỏi giúp doanh nghiệp phát hiện tài sản trí tuệ của mình như:  giải pháp sáng chế, công nghệ đó có phải là tài sản trí tuệ hay không? Tài sản trí tuệ đó ở cấp độ nào? Cần bổ sung thêm gì để thành tài sản trí tuệ? Bởi thực tế có những giải pháp có tính mới nhưng không có tính sáng tạo thì chỉ là giải pháp hữu ích. Giải pháp hữu ích vẫn được bảo hộ nhưng thời gian không lâu và không có giá trị cao. Khi đã xác định được tài sản trí tuệ, chúng tôi thay doanh nghiệp viết phát biểu bảo hộ tối ưu về phạm vi bảo hộ; viết bảng mô tả theo ngôn ngữ, văn phong của sáng chế và logic, khoa học; thực hiện thủ tục nộp, theo dõi hồ sơ và phản biện với thẩm định viên để được cấp bằng.

Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với các địa phương làm đề án Phát triển tài sản trí tuệ cho địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và được các địa phương đồng tình.

PV: Xin cảm ơn ông!

P.Hương