Mô hình cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo tạo tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại nhựa kỹ thuật VINASTAR

Khởi nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, sau 10 năm từ 1 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ ban đầu, liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng mà Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (TP. Biên Hòa) đang bước mạnh mẽ lên hàng ngũ doanh nghiệp vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Đoàn chuyên gia thực hiện đo đạc khảo sát hiệu suất làm việc cho từng công đoạn

Cải tiến năng suất

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao năng lực sản xuất, từ năm 2019 công ty tham gia dự án “Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công thương do Viện Năng suất Việt Nam triển khai. Từ đó, công ty đã xây dựng được một chiến lược chuyển đổi năng suất rất cụ thể và hiệu quả. Sau một năm triển khai dự án cải tiến hiệu suất thiết bị và cải tiến giảm lãng phí trong sản xuất kết quả: Năng suất thiết bị tổng thể tăng 16%, tỷ lệ chất lượng hàng trung bình tăng 1%, gia tăng thêm 12 khách hàng mới, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên giảm từ 20% xuống còn 5%.

Ông Lê Xuân Biên, nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Viện Năng suất Việt Nam cho biết: Thông qua công tác khảo sát nhận thấy, 60% thời gian dừng máy không có kế hoạch sản xuất. Tại bộ phận sản xuất, nhiều thao tác thủ công, chậm, máy móc, thiết bị bị hỏng chiếm đến 17% thời gian dừng máy và thời gian sửa chữa thay khuôn kéo dài. Nhóm chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sau: Giảm số lần cấp liệu nhựa thủ công và giảm nhân công thông qua sử dụng máy hút liệu cấp tự động cũng như tăng thể tích bồn chứa liệu 100% từ 50 lít lên 100 lít; giảm lỗi của sản phẩm và khuôn bằng cách cải tiến thiết bị làm mát nhanh; đồng thời bố trí các robot gắp sản phẩm, rút bớt nhân lực chỉ còn 1 công nhân phụ trách 2 máy thay vì 1 lao động/1 máy như trước kia.

Để giảm lãng phí trong sản xuất, VinaStar đã áp dụng các giải pháp: Bảo dưỡng phòng ngừa, giảm được việc mua vật tư, phụ tùng đột xuất; lắp robot lấy sản phẩm, giảm thao tác công nhân. Thông qua tự động hóa, 1 công nhân đứng được 2 máy, năng suất lao động tăng gấp đôi, thiết kế đường đi di chuyển nội bộ, phù hợp với dòng di chuyển của nguyên vật liệu và sản phẩm; giảm thao tác đứng máy, dán tem, tăng cường vệ sinh khuôn, lau dầu…

Ông Mai Khanh, Tổng Giám đốc phấn khởi cho biết: các giải pháp cải tiến sản xuất được triển khai đã giúpVinaStar giảm tỷ lệ phế phẩm từ 4% xuống còn 1.1%; tỷ lệ trả hàng giảm từ 1% còn 0,5%; đặc biệt, dịch vụ làm thỏa mãn khách hàng đã đạt điểm 9. Đây là một động lực để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Kho hàng thành phẩm của VinaStar được quản lý bằng ứng dụng mã QR

Mô hình nâng cao năng suất, chất lượng tổng thể của VinaStar về cơ bản dựa trên các nền tảng và trụ cột là xây dựng mục tiêu chiến lược nâng cao năng suất chất lượng theo từng giai đoạn; nền tảng về quản trị nguồn nhân lực và khuyến khích người lao động; sử dụng hiệu quả công nghệ và thiết bị; quản lý hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh; phát triển tổ chức định hướng khách hàng; xây dựng văn hóa không ngừng giảm thiểu lãng phí.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Ông Phan Văn Toản (công ty VinaStar) cho biết hiện nay công ty đang triển khai ứng dụng phần mềm in tem sản phẩm: giảm 50% thời gian nhập liệu, đồng nhất dữ liệu (91% data chuẩn), giảm 90% sai sót góp phần hạn chế nhầm lẫn, thông tin có độ chính xác 100%. Ứng dụng mã QR trong quản lý kho giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng: đơn giản hóa thao tác, linh hoạt trong việc sử dụng con người; quản lý được các LOT sản xuất giúp tối ưu hóa xuất – nhập, độ chính xác 100%, khách hàng không còn phàn nàn do sai phiếu, giảm 70% thời gian kiểm đếm, tạo phiếu.

Hiện nay, tại VinaStar áp dụng quy trình yêu cầu xuất – nhập kho trên phần mềm giúp thông tin không bị trôi hay sót. Thông tin được phân loại và xử lý nhanh theo mức độ ưu tiên. Nắm được tiến độ thực hiện thông qua tình trạng thể hiện trên phần mềm. Thông tin được kế thừa, không mất thời gian nhập liệu lại. Giảm thời gian tra cứu, xác nhận với bộ phận liên quan. Data chuẩn từ hệ thống, giảm thiểu sai sót do nhập liệu tay. Đảm bảo khớp dữ liệu giữa phần mềm và phiếu thực tế.

Ông Mai Khanh cho biết công ty định hướng chuyển đổi số tại một số quy trình: quản lý định mức sản phẩm; quản lý đơn hàng, kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất; quản lý quy tình áp dụng chữ ký điện tử, quản lý chất lượng, quản lý máy móc thiết bị, dự kiến đến tháng 01/2025 sẽ kiểm soát các chi phí. Chúng tôi mong muốn có các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng các lợi thế kinh tế khi hội nhập. Tuy nhiên ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung các chính sách này vẫn chưa thực sự cụ thể.

Quản lý đồng nhất trên chuyền sản xuất và kho tại VinaStar

Trao đổi tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho doanh nghiệp” bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh “Doanh nghiệp thuộc mỗi ngành kinh tế có những đặc điểm, năng lực và năng suất lao động khác nhau. Tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành, vai trò của các yếu tố trong mô hình nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo sẽ có thể khác nhau. Dựa trên nền tảng mô hình căn bản, nhưng khi vận dụng sẽ linh hoạt cho từng doanh nghiệp. Tùy vào văn hóa và loại hình sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ thiết kế mô hình phù hợp với doanh nghiệp mình, nhưng vẫn cần dựa trên trụ cột và nền tảng của mô hình chung. Các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ được sử dụng như các phương tiện để đạt tới mục tiêu của từng trụ cột trong mô hình. VinaStar là một mô hình điểm về cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo có hiệu quả giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, học tập những giải pháp cải tiến năng suất, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế xanh, kinh tế số”.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai “Đổi mới sáng tạo và phát triển xanh là yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất, giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp tổ chức, doanh nghiệp cải tiến năng suất, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế xanh, kinh tế số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo”.

Nguyễn Văn Hà