Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ

Chuyển đổi công nghệ không chỉ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí mà còn là nền tảng để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Với tầm nhìn trở thành công ty toàn cầu, tiên phong trong việc phát triển bền vững, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thực hiện phát triển dựa trên ba trụ cột chính: hoạt động cải tiến và đổi mới, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

“Chúng tôi xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số hóa ở mọi khâu trong chuỗi giá trị, từ nguồn cung, chế tạo, thu mua, sản xuất, bán hàng và tiếp thị” – Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An chia sẻ.

Ông Phương cho biết thêm, trong chuyển đổi số, Nestlé ưu tiên số hóa dữ liệu, từ đó áp dụng các công nghệ phù hợp. Nestlé Trị An là một trong 6 nhà máy của Nestlé Việt Nam được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất với mô hình nhà máy thông minh thành công. Nestlé Trị An đã áp dụng mô hình nhà máy thông minh tập trung vào cải tiến công nghệ và chuyển đổi số để tối ưu hóa hiệu quả, dựa trên 3 nhân tố chính: số hóa lượng lao động linh hoạt và tự chủ; tận dụng robot và tự động hóa để tăng năng suất, hiệu quả và linh hoạt hơn; xây dựng dữ liệu kết nối thời gian thực và đưa ra các quyết định vận hành dựa vào phân tích dữ liệu.

Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường tích cực: giảm 60% thời gian dừng máy ngoài kế hoạch, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm nhờ tối ưu hóa cảm biến thông minh và dữ liệu số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ nhờ áp dụng các ứng dụng điện tử cho quy trình hành chính; giảm 20% chi phí bảo dưỡng bằng cách sử dụng cảm biến dự báo tình trạng máy móc; giảm 38 ngàn tấn CO2 phát thải mỗi năm.

Doanh nghiệp phải nhận thức được chuyển đổi công nghệ là vấn đề tự thân

“Chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, hỗ trợ vận hành và canh tác bền vững”  – ông Phương khẳng định.

Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Hồ Quang Nam, thay đổi công nghệ để bắt kịp xu hướng phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay là không dễ dàng. Tuy nhiên, nó đang và sẽ là xu thế tất yếu, dù muốn hay không, vì sự tồn vong và phát triển, doanh nghiệp chắc chắn phải thực hiện. Nhận thức được điều này, từ đầu năm 2023, công ty bắt đầu tiến hành việc thay đổi công nghệ sản xuất, từng bước nhập khẩu thêm các loại máy móc với công nghệ hiện đại, thay đổi định hướng sản phẩm từ các loại bo mạch điện tử thấp lên các chủng loại bo mạch cao cấp, nhiều lớp sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như server, notebook….

“Công ty từng bước tiến hành chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng tự động hóa công nghiệp. Bước đầu, Tripod Việt Nam đã đầu tư khoảng 20 triệu USD cho việc thay đổi công nghệ và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn lực đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. Theo kế hoạch đã định, từng bước tiếp theo trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện việc chuyển đổi công nghệ tại công ty, hướng đến mô hình nhà máy thông minh, tự động hóa tối đa các công đoạn sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất lao động, giảm chi phí giá thành…để gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường công nghệ cao” – ông Hồ Quang Nam cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc cấp cao Phòng Công trường, Khu công nghiệp (KCN) Amata (thành phố Biên Hòa) chia sẻ, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chọn KCN Amata thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đến nay, KCN Amata đã đạt được hoặc tiện cận với nhiều chỉ tiêu khung quốc tế về KCN sinh thái toàn cầu. Giai đoạn tiếp theo, sẽ triển khai một số giải pháp cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí của KCN sinh thái và hướng tới đạt chứng nhận KCN sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, ngành công nghiệp  Đồng Nai dù đã có những bước tiến trong áp dụng công nghệ mới, tuy nhiên không ít doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ cũ, chưa đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ còn hạn chế. Vì thế, chuyển đổi công nghệ chính là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí, đảm bảo phát triển bền vững.

Để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh việc phải đánh giá cụ thể thực trạng sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để thấy được yêu cầu, áp lực cần phải chuyển đổi. Đồng thời phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý…về chuyển đổi công nghệ để thấy sự chuyển đổi công nghệ là vấn đề tự thân. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu; đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

P.Hương