Đông Nam bộ: Đi đầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm bên lề Techfest Việt Nam được tổ chức tại Bình Dương

Không chỉ là đầu tàu về phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng Đông Nam bộ cũng dẫn đầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) với trên 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của cả nước.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo thống kê của Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương, từ năm 2019 đến nay, các tỉnh/thành phố trong vùng đã ban hành 101 văn bản quản lý về chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương…

Trong phát triển doanh nghiệp KH&CN, đến nay toàn vùng Đông Nam bộ đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 141 doanh nghiệp; 104 doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ được khuyến khích phát triển, trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học (chiếm 39,9%), công nghệ tự động (25,5%), công nghệ thông tin (17%), vật liệu mới (10%). Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ chú trọng tới đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hoạt động KH&CN của vùng tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN có tính đột phá ở nhiều lĩnh vực như: y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị thông minh, điện tử – tự động hóa, công nghệ nano, phát triển các khu công nghệ cao…

“Các địa phương trong vùng ngày càng thể hiện rõ nét xu hướng tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của hoạt động KH-CN và ĐMST, từ đó tạo được những bứt phá về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, đóng góp vào phát triển phát triển kinh tế – xã hội chung của vùng và cả nước”, ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho hay.

Đặc biệt, các địa phương trong vùng tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST…

Tiêu biểu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vùng phải kể đến là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu về phong trào này. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực ĐMST cho 6.494 doanh nghiệp. Trong đó, các hoạt động hỗ trợ như: tư vấn sở hữu trí tuệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đổi mới sản phẩm, tư vấn về năng suất chất lượng, tập huấn doanh nghiệp… Ngoài ra, TP.HCM đã hỗ trợ ươm tạo, phát triển 891 dự án; hỗ trợ 271 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Với sự hỗ trợ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST với các nguồn lực như: hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (chiếm 50% doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước); gần 100 Quỹ đầu tư mạo hiểm; 97 trường đại học và cao đẳng; hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm…

Trong khi đó, với định hướng thúc đẩy mạnh mẽ KH-CN và ĐMST tạo động lực để phát triển, hướng tới thành phố thông minh, kinh tế số đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp, với không gian mở là nơi hội tụ nhiều nguồn lực từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ năm 2023 được tổ chức tại Bình Dương.

Ngoài ra, địa phương này cũng xây dựng các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp với sự kết hợp của giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Từ đó hình thành cầu nối, giúp gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp khác và hòa nhập và chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.

Đồng Nai từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST

Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều điều kiện để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, đến nay tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê, đến hết năm 2022 đã hỗ trợ cho 693 dự án trong kế hoạch giải đoạn 2021-2025 về ươm tạo, phát triển dự án khởi nghiệp; hỗ trợ 182 doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo kiểm..

Đặc biệt, tiếp nối thành công của các kỳ Techfest trước, “Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai – Techfest DongNai 2023” với  chủ đề “Đường băng sáng tạo – Nai vàng cất cánh” tiếp tục được tổ chức gồm 9 sự kiện với sự tham gia tổ chức của các cơ quan là thành viên Hội đồng điều phối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh và đặc biệt có sự chung tay của các Làng công nghệ Techfest quốc gia. Trong đó, các hội thảo, diễn đàn với nhiều chủ đề thiết thực đã thu hút hơn 1.500 lượt đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.

Thông qua các hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã giúp cho các Starup được hỗ trợ đào tạo, tập huấn; xây dựng hệ thống những người mentor để có thể tư vấn cho các startup; tạo những không gian làm việc chung ở các trường, các viện để các bạn sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với nhau. Đặc biệt, Techfest năm 2023 đã thu hút được các doanh nghiệp, các mentor, chuyên gia, các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến với Đồng Nai.

Năm 2023 không chỉ có cơ quan nhà nước tổ chức mà cùng lúc các trường đại học cũng tổ chức những hoạt động sôi nổi và các Làng Techfest của quốc gia cũng đến với Đồng Nai.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, trong năm 2023, Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị kết nối giới thiệu công nghệ và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ kết quả nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là dịp để kết nối các nhà khoa học với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển giao các kết quả nghiên cứu mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà đầu tư, hiệp hội, hội doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm hiểu về công nghệ, về sản phẩm để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, thị trường cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học.

Với những sự kiện tiêu biểu đó, tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia, Đồng Nai được vinh danh là một trong những địa phương có hoạt động sáng tạo nổi bật trong năm 2023. Và tại Festival Khởi nghiệp 2024 diễn ra tại Hà Nội, Đồng Nai là 1 trong 3 địa phương trong cả nước được Ban tổ chức Chương trình khởi nghiệp Quốc gia trao danh hiệu địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2023.

Thanh Cảnh