Bảo tồn và khai thác cây dược liệu quý

Nhận thấy việc tạo ra các sản phẩm từ dược liệu là một giải pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những năm gần đây, nông dân tại Đồng Nai đã bắt đầu quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc trồng, khai thác và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu quý, hiếm.

Cây mật nhân giống được ươm tại huyện Vĩnh Cửu

* Khôi phục và phát triển cây dược liệu

Theo kết quả khảo sát của Viện Dược liệu đã ghi nhận ở Đồng Nai có 1.086 loài cây thuốc thuộc 163 họ, chi, trong đó có nhiều loài/ nhóm loài có tính đặc hữu cho tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ. Ghi nhận được 22 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cần bảo tồn, 25 loài có tiềm năng khai thác và 15 loài tiềm năng phát triển trồng ở tỉnh Đồng Nai. Với nguồn cây dược liệu đa dạng tạo nên một tiềm năng lớn để phát triển ngành dược liệu, đem lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế địa phương. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nghiên cứu di thực và trồng nhiều cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: Xáo tam phân, Mật nhân, Thành ngạnh, Khôi nhung, Thiên niên kiện nam, Vàng đắng, Cổ an, Sâm cau… tập trung tại các huyện như Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc.

Cây Xáo tam phân thuộc loại cây dược liệu quý được nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị các chứng bệnh về gan và hỗ trợ điều trị ung thư. Từ năm 2012, anh Nguyễn Văn Khôn đã tìm mua cây Xáo tam phân nhỏ từ những người đi lấy thuốc về trồng, chăm sóc tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom. Nhận thấy tiềm năng phát triển của loại cây này, năm 2017, anh Khôn đã làm đơn đề nghị huyện Trảng Bom cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để trồng và phát triển cây Xáo tam phân. Đến nay, vườn cây giống của doanh nghiệp tại Đồng Nai có diện tích hơn 5,6 ha với hơn 500 ngàn cây Xáo tam phân 6 năm tuổi. Ngoài ra còn mở rộng những vườn cây giống ở các tỉnh, thành khác với diện tích hơn 100 ha.

Sau thành công từ mô hình trang trại đặc thù, anh Khôn phát triển lên Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An, để tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm thảo dược theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Hiện, doanh nghiệp này đang sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cây Xáo tam phân như: Xáo tam phân tươi, Xáo tam phân sấy khô, trà thảo mộc Xáo tam phân. Đặc biệt, sản phẩm trà thảo mộc Xáo tam phân đã được chứng nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiến hành nghiên cứu bào chế viên nang chiết xuất từ Xáo tam phân hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh gan.

Mật nhân là loài cây thuốc quý, mọc nhiều ở rừng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Cây mật nhân nổi tiếng với khả năng cải thiện đời sống sinh lý nam, giảm căng thẳng, phòng ngừa ung thư, hỗ trợ điều trị xơ gan,… cùng hàng loạt tác dụng nổi bật với sức khỏe khác. Tuy nhiên, lượng cây mật nhân trong tự nhiên dần ít đi do người dân khai thác nhưng không được trồng mới thay thế. Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Điều tra hiện trạng, nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân tại Khu Dự trữ sinh quyền Đồng Nai”. Sau 2 năm nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống bằng gieo hạt và giâm hom cây mật nhân. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được 2.442 cây giống mật nhân. Số cây giống này được trồng thực nghiệm ở các trạng thái rừng để có đủ cơ sở khoa học trước khi chuyển giao quy trình cho người dân trồng đại trà làm vùng nguyên liệu.

Sản phẩm trà Xáo tam phân của Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An

Sâm Bố Chính là một giống sâm quý của Việt Nam. Sâm bố chính có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa… Từ đầu năm 2023, Công ty CP thương mại – sản xuất Đông Nam dược Kim Nguyên đã đầu tư trồng 5 ha sâm bố chính theo hướng hữu cơ tại xã Phú An, huyện Tân Phú. Kết quả trồng thử nghiệm cây tăng trưởng tốt và đạt hiệu quả về năng suất, cho chất lượng cao.

Bà Huỳnh Thị Phước Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại – sản xuất Đông Nam dược Kim Nguyên cho hay, qua quá trình thử nghiệm, đánh giá cho thấy các điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng tại các huyện Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán rất phù hợp cho cây sâm Bố Chính sinh trưởng và phát triển tốt. Doanh nghiệp có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Bố Chính quy mô từ 150-200 ha tại các địa phương này.

Ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 2016 đến 2023, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu như: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai”; “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen Thần xạ hương (Luvunga scandens)”; “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài Lan một lá (Nervila spp)”; “Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây Trinh nữ hoàng cung (Crinium latifolium) xã Long Phước, huyện Long Thành” do doanh nghiệp thực hiện. Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình trồng thử nghiệm nấm Linh chi dưới tán rừng trồng Keo lai”. Hay đề tài “Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035″ được triển khai nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Đề tài đã được tổng kết, nghiệm thu vào năm 2023 và đã bàn giao cho Sở Y tế Đồng Nai.

Riêng tại Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã có Vườn bảo tồn nguồn gen cây thuốc diện tích 10 ha và đã thu thập được 500 nguồn gen cây thuốc đặc hữu quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ, trong đó có 300 nguồn gen được trồng, lưu giữ an toàn.

* Đầu tư phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các nguồn thực vật quý

Nếu được sản xuất và quản lý chất lượng một cách hiệu quả, các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ các nguồn thực vật quý, hiếm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người dùng. Đặc biệt là khi các sản phẩm này được sử dụng kết hợp với phương pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên và lành mạnh, giúp tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu rủi ro về bệnh tật.

Thông tin từ Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc cổ truyền rất lớn chiếm trên 80% so với tổng giá trị thuốc sử dụng điều trị. Khối lượng dược liệu sử dụng hàng năm tại bệnh viện Y học cổ truyền trên 13 tấn/năm, trong đó số lượng dược liệu trong nước chiếm 57%, dược liệu nhập khẩu 43%.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, sản xuất và đầu tư phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các nguồn thực vật quý, hiếm trồng tại tỉnh Đồng Nai cần phải chú trọng đến việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này có thể đạt được thông qua việc cải thiện chính sách, tăng cường hỗ trợ tài chính và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng để tối đa hóa hiệu quả của ngành dược liệu tỉnh nhà.

Các giải pháp cần tập trung thực hiện là: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dược liệu. Đồng thời, cần hướng dẫn, đào tạo các nông dân về kỹ thuật trồng trọt và quản lý nguồn tài nguyên cây thuốc. Bên cạnh đó, xây dựng các trang trại mẫu để giới thiệu các loại cây thuốc có tiềm năng kinh tế cao và cung cấp kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Sản phẩm viên nang chứa hoạt chất chiết xuất từ xáo tam phân, xạ đen, cà gai leo và an xoa của Công ty TNHH dược liệu Tâm Tâm An

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Lại Thế Thông thì khoa học công nghệ là yếu tố then chốt trong việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý. Việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học về cây thuốc và các sản phẩm từ cây thuốc, giúp nông dân áp dụng các phương pháp mới nhất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng các chính sách và quy định hợp lý để kiểm soát việc khai thác và sử dụng tài nguyên dược liệu một cách bền vững. Xây dựng thương hiệu và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới từ dược liệu…Chính vì thế, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các Bộ ngành, các đơn vị nghiên cứu, tổ chức liên quan trong nghiên cứu, chuyển giao quy trình công nghệ; thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ khoa học công nghệ do tỉnh quản lý, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ và nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ ủy quyền cho địa phương quản lý thực hiện với các dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược Cổ Truyền Đồng Nai Nguyễn Đức Thu cho biết, để bào chế sản phẩm thuốc từ dược liệu cần sử dụng những công nghệ mới để đảm bảo phát huy được các dược tính quý của dược liệu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai công nghệ chiết xuất chủ yếu bằng các phương pháp chiết truyền thống như chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt, cao cô đặc, viên nén.

Theo TS. Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), để tối đa hóa hiệu quả của ngành chiết xuất dược liệu, cần liên kết với các đơn vị sản xuất đạt chuẩn GMP, các doanh nghiệp tại địa phương có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm từ cây thuốc quý được sản xuất và chế biến đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, việc đưa sản phẩm từ cây thuốc quý đạt chuẩn GMP ra thị trường sẽ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và tăng cường giá trị thương mại của sản phẩm.

Nguyễn Thị Thương