PHÂN HIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP THAM GIA CUỘC THI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2021

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Phân hiệu Trường Đại học Lâm Nghiệp cơ sở 2 (H.Trảng Bom) thời gian vừa ra diễn ra rất sôi nổi: đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động sinh viên tham dự các sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp do các cơ quan, đơn vị tổ chức, tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cấp trường, giới thiệu các dự án xuất sắc tham gia cuộc thi cấp tỉnh…. Thầy Đinh Quang Tuyến – Trưởng Phòng KHCN & HTQT cho hay “Chúng tôi rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để các bạn sinh viên tham gia các cuộc thi về tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; vừa qua trường cũng đã tuyển chọn được 05 ý tưởng, dự án gửi hồ sơ tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh”.

Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021, Phân hiệu Trường Đại học Lâm Nghiệp cơ sở 2 có 05 ý tưởng, dự án tham gia. Hầu hết các dự án, ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và là kết quả của các chương trình nghiên cứu tại trường của sinh viên.

ý tưởng khởi nghiệp từ tinh dầu cỏ ngũ sắc

Tại tỉnh Đồng Nai cỏ hôi, có tên gọi khác là cỏ ngũ sắc (tên khoa học là Ageratum conyzoides) là loại thảo dược thường niên mọc phổ biến trong tự nhiên, rất dễ tìm kiếm và thu hái. Cỏ ngũ sắc có nhiều tác dụng sinh học và dược liệu: chống viêm, kháng khuẩn, chống nấm, kháng vi sinh vật trong điều trị viêm xoang, cảm lạnh, ho, giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng. Từ thực tế đó, nhóm các sinh viên gồm: Đỗ Thị Xuân Hồng, Ma Hàng, Vũ Quang Hải, Trần Thị Ngọc Thủy đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp: “sản xuất tinh dầu thiên nhiên ngũ sắc”. Các thành viên trong nhóm đánh giá đây là một hướng sản xuất tinh dầu dược liệu có giá thành cạnh tranh và tiềm năng tiêu thụ trên thị trường.

Nhận thấy xu hướng chung là hiện nay nhiều người tìm tới các sản phẩm dầu gội tự nhiên hoặc tự tìm kiếm thảo mộc làm dầu gội, nhóm tác giả gồm: Dương Thị Việt Hà, Trịnh Thị Nhung, Lê Thị Thu, Đinh Thị Nguyệt Mai định hướng phát triển dòng sản phẩm dầu gội từ các sản phẩm truyền thống: “Dầu gội mộc hương quê”. Sản phẩm có các đặc tính như sạch gàu, tóc mềm mượt lâu hơn so với dầu gội công nghiệp, hoàn toàn không sử dụng hóa chất phụ gia, có mùi hương truyền thống dễ chịu, tiện lợi cho người sử dụng. Với mô hình phát triển của ý tưởng này hướng tới tận dụng được các nguồn sản phẩm nông nghiệp,  thảo mộc thiên nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh như cỏ mần trầu, bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi, …

Cùng với định hướng phát triển các dòng sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, nhóm các sinh viên: Lê Thị Kim Oanh, Nguyễn Vũ Trung, Hồ Quốc Đăng Khánh, Hồ Thị Nga đưa ra ý tưởng: Chế tạo ống hút và hoa trang trí, làm thực phẩm, từ cây cỏ sậy. Hiện nay, xu hướng sử dụng ống hút thân thiện  với môi trường đang ngày càng phát triển, ống hút làm từ cỏ cây sậy giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường, tận dụng được nguồn cây sậy có sẵn trong tự nhiên; tận thu được toàn bộ công dụng từ cây sậy (thân, ngọn).

Thuộc lĩnh vực chế biến lâm sản, công nghệ vật liệu mới, nhóm sinh viên gồm Hồ Quốc Đăng Khánh, Ngô Nguyễn Phát Đạt, Đào Nguyễn Ngọc Trâm với ý tưởng sản xuất vật liệu từ gỗ thay thế nhựa trong suốt, và kính cho các chi tiết trong xây dựng và nội thất như cửa kính, mái che. Ý tưởng dự án mong muốn tạo ra dòng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái sinh.

Quan sát từ thực tế và mong muốn khởi nghiệp từ kinh doanh quán cà phê, thức uống từ rừng kết hợp kinh doanh hoa, cây cảnh, quà lưu niệm từ thực vật, nhóm sinh viên Trần Nguyễn Tri Thức, Nguyễn Hữu Quý, Trần Anh Kiệt tham gia dự thi với dự án “cà phê rừng nhiệt đới”. Dự án hướng đến lối sống xanh, yêu môi trường và bảo vệ thiên nhiên hoang dã; tạo môi trường giao lưu học  hỏi, giáo dục về môi trường và trang bị kiến thức về trồng cây xanh.

Xuân Duy