Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Nai…UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023.
Một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch là thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo đó, Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện 2 dự án gồm: Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Cụ thể, đối với dự án Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Đồng Nai đặt ra mục tiêu hỗ trợ 05 dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trong đó hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường theo một trong các trường hợp sau: nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới trên cơ sở các sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoặc hoạt động nghiên cứu giải mã công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có khả năng thương mại hóa; Ứng dụng và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp vào sản xuất, kinh doanh
Bên cạnh đó là hỗ trợ sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Mức hỗ trợ do Hội đồng thẩm định quyết định tối đa không quá 300 triệu đồng/01 dự án.
Đối với dự án Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Đồng Nai đặt mục tiêu hỗ trợ và phát triển 03 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nội dung hỗ trợ gồm: giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ có nhu cầu và đủ điều kiện ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ hoạt động điều tra, khảo sát, tìm kiếm thông tin về công nghệ ở trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ hoạt động tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Mức hỗ trợ do Hội đồng thẩm định quyết định nhưng không quá 400 triệu đồng/dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì thực hiện nội dung này.
Được biết, hiện cả tỉnh mới có 4 doanh nghiệp được công nhận là: Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Dona – Techno (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh); Công ty CP Công nghệ nhiệt mặt trời (phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa); Công ty TNHH Hồ Giáp Việt (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) và Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú).
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Hoàng cho hay, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình DNKHCN thông qua ngày hội khởi nghiệp và hội nghị, hội thảo; tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Đồng thời, Sở sẽ hỗ trợ, tư vấn hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu cũng như đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tiếp tục thực hiện hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó tuyên truyền, thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ đối với các đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện.
P.Hương