Đồng Nai là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch: với 57 di tích xếp hạng (gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh) và rất nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Đồng Nai có vị trí địa lí thuận lợi: nằm trong trục kinh tế phát triển của vùng Đông Nam Bộ, trục giao thông có tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 20 đi khu vực Tây Nguyên, quốc lộ 51 về Bà Rịa Vũng Tàu, đồng thời trên địa bàn tỉnh đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và tỉnh có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Thế mạnh phát triển du lịch của Đồng Nai rất nhiều, tuy nhiên việc khai thác, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm, loại hình, dịch vụ du lịch tại Đồng Nai nói chung.
Các doanh nghiệp du lịch tại địa phương và trên cả nước cũng đã khai thác sản phẩm du lịch này trong các tour du lịch. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao người dân địa phương có thể thụ hưởng được từ chính các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Việc ứng dụng công nghệ số, metaverse vào phát triển du lịch là góp phần định hướng sản phẩm làm sao người thụ hưởng phát triển du lịch sinh thái theo định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Muốn phát triển du lịch trên nền tảng số cần sự chung tay của nhà nước trong việc kiểm soát, quản lý, các đơn vị đồng hành là đơn vị du lịch, người dân tại địa phương được thụ hưởng lợi ích từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch và sản phẩm dịch vụ phải mang tính đặc thù của địa phương.
Tại Đồng Nai có những điểm rất đặc thù như có các di tích lịch sử (chiến khu Đ, di tích Hiếu Liêm, rừng quốc gia Nam Cát Tiên, núi Chứa Chan, lòng hồ thủy điện Trị An … Từng địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, tiếp theo kết hợp đưa chuyển đổi số vào để người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích. Khi đưa công nghệ vào giúp cho khách hàng có trải nghiệm sản phẩm, khảo sát trải nghiệm trước khi mua tour du lịch, do đó cần làm sản phẩm thật trên nền tảng “ảo” và tương thích với thực tế.
Muốn phát triển các sản phẩm du lịch cần phải ứng dụng đồng bộ và triệt để công nghệ số, kết hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, áp dụng công nghệ là biện pháp để khuyến khích quảng bá và giới thiệu sản phẩm về du lịch của địa phương tới khách hàng. Một trong những xu hướng công nghệ hiện nay là metaverse, ứng dụng nền tảng metaverse để thay đổi phương thức quảng bá cho khách hàng từ xa biết tới địa điểm du lịch, cho góc nhìn trực quan và cảm thấy tin tưởng hơn, số hóa trên metaverse cho góc nhìn đa chiều, thực tế, sinh động hơn, từ đó khách hàng có sự tò mò và ra quyết định tới đó tham quan, đây chính là cơ hội để người dân tại đó bán được các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Bên cạnh vấn đề cảnh quan, thì trên nền tảng metaverse còn hỗ trợ tôn vinh các giá trị văn hóa, chính là lượng kiến thức chúng ta cung cấp đến người dùng, khách hàng. Ở đây không chỉ đơn thuần cho khách hàng xem các hình ảnh đẹp mà ứng dụng công nghệ cần mang tới cho họ sự tò mò về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử như thế nào, địa danh đó có gì hay và nó ý nghĩa lịch sử ra sao. Kết hợp giữa ứng dụng khoa học công nghệ và địa phương cung cấp các dữ liệu về văn hóa lịch sử tại điểm đến, từ đó tích hợp chức năng thuyết minh ảo vào cùng với các hình ảnh, âm thanh, nghe sinh động và cuốn hút, thu hút khách hàng từ xa biết tới, cảm nhận, đầu tư hoặc tới tham quan.
Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm, loại hình, dịch vụ du lịch tại Đồng Nai giúp xây dựng các giá trị trên nền tảng thực, đưa khách hàng đến gần, tăng tính trải nghiệm, để khách hàng an tâm cho trải nghiệm của mình, góp phần tạo ra một mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch, phát huy các thế mạnh sản phẩm du lịch tại địa phương.
Phan Ngọc Xuân Duy – Công ty TNHH Yaway
Bùi Thị Thủy – HTX dược liệu Vườn Lá