Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài

Phấn đấu đến năm 2030, Đồng Nai có sản phẩm chủ lực có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại một số quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Đó là một trong những mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa được UBND tỉnh ban hành vào ngày 13/6/2023.

Đến năm 2030, sẽ hỗ trợ 80 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biến giới

Cụ thể, đến năm 2030, Đồng Nai đặt mục tiêu: hỗ trợ về thông tin thị trường cho 350 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 250 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ 80 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biến giới; tổ chức 160 lượt doanh nghiệp kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ khoảng 160 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đồng Nai sẽ tăng cường công tác truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài. Cụ thể, phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin, bồi dưỡng kiến thức về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cung ứng cho mạng lưới phân phối nước ngoài.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững. Trong đó, định hướng doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch; chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các mô hình phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu và với các tập đoàn phân phối.

Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biến giới. Đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh Đồng Nai lên sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới. Kết nối, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam và sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP. Chú trọng phát triển hạ tầng logictics phục vụ cho phát triển thương mại điện tử góp phàn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa các kênh thương mại điện tử.

Về hỗ trợ quảng bá và phát triển thương hiệu, phối hợ với các mạng phân phối nước ngoài hỗ trợ phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Đồng Nai trong hệ thống phân phối trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trước mắt tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Đồng Nai.

Đồng Nai cũng sẽ tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài như: hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình tuần hàng Việt Nam tại các mạng phân phối nước ngoài; tổ chức đưa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đi khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và kết nối với các nhà phân phối nước ngoài…

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững; tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp.

P.Hương