Hỗ trợ các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp nông thôn là một chương trình mang tính chiến lược quan trọng và được thực hiện thường xuyên của hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua. Đặc biệt, với các sơ sở sản xuất nông thôn có lợi thế cạnh tranh, việc hỗ trợ này được xem như cầu nối để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm.

Nhờ hỗ trợ từ đề án, nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở nông thôn có điều điều thay đổi máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Cơ sở nuôi trồng nấm Phương Linh, phường Xuân An là một trong hai đơn vị được TP. Long Khánh cùng với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai chọn tham gia Đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Với năng lực sản xuất 50 ngàn phôi nấm các loại và hơn một ngàn hộp đông trùng hạ thảo mỗi ngày, nhu cầu đầu tư máy móc của cơ sở là thiết yếu và cấp bách.

Ông Trần Ngọc Đại, Chủ cơ sở nấm Phương Linh, phường Xuân An (TP. Long Khánh) cho biết, với năng lực sản xuất lớn và có đầu ra ổn định là động lực để cơ sở đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại dù chi phí khá lớn.

Hỗ trợ các ngành có lợi thế cạnh tranh để vươn lên phát triển.

Ngoài sản xuất phôi nấm các loại, thế mạnh của cơ sở Phương Linh là nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cơ sở Phương Linh dự định đầu tư máy sấy thăng hoa nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất mặt hàng đông trùng hạ thảo của cơ sở. Theo đó, những lợi ích khi có máy sấy đem lại là rất lớn.

“Ưu điểm khi sử dụng máy móc hiện đại là giảm chi phí vận chuyển, gia công, giảm thời gian, giảm hư hao, giữ được màu sắc và dược chất”, ông Đại chia sẻ.

Hiện tại, cơ sở Phương Linh đang phải thuê gia công sấy nấm đông trùng với giá thành khá cao. Điều này vừa mất thời gian và đội chi phí sản xuất, trong khi vận chuyển xa cũng dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng và giảm dược tính của sản phẩm. Khi đầu tư máy sấy thăng hoa, ngoài việc chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh còn giúp cơ sở cắt giảm nhiều chi phí không cần thiết khác. Khi đầu tư, mỗi một lần sấy 50kg tươi có thể cho thu hoạch được 8kg đông trùng khô.

Chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên, tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Lâm Quang Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến là việc làm thường xuyên và liên tục suốt nhiều năm qua của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là hoạt động thiết thực theo đúng mục tiêu, định hướng của tỉnh về đổi mới sáng tạo. Năm 2022, dự kiến sẽ có 14 đơn vị được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo đúng định hướng và mục tiêu của tỉnh.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai có gần 10.000 cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó hơn 85% là hộ kinh doanh. Cơ sở công nghiệp nông thôn đa phần có qui mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế so với khu vực kinh tế khác. Mục tiêu của việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm định hướng các hoạt động khuyến công tập trung vào những ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thế mạnh, chủ lực của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.

Minh Khôi