Thời gian qua, việc thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp được Ngành nông nghiệp quan tâm, chú trọng thực hiện. Thông qua các chính sách hỗ trợ, đến nay xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, khởi nghiệp hiệu quả.
Nhiều cơ sở pháp lý hỗ trợ
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai và ban hành các Đề án hỗ trợ như: Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016); Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017); Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017); Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 về Quy định tổ chức quản lý Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2020 về quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Ban chấp hành Hội nông dân Việt Nam ban hành Đề án số 03/ĐA-HNDTW ngày 12/7/2020 về nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020 – 2025;… là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Việc thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp được ngành chú trọng thực hiện, gắn với Kế hoạch đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 29/4/2022, với 04 lĩnh vực ưu tiên ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo (chuyển đổi số; công nghệ thông tin và truyền thông; Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Dịch vụ du lịch và logistic; Công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững) và 12 nhóm mục tiêu đề ra; riêng lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm OCOP, công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Về đầu tư công nghiệp chế biến nông sản và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến được hỗ trợ được lồng ghép trong Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; chính sách về hỗ trợ Khuyến công.
Cơ hội cho khởi nghiệp trong nông nghiệp
Khởi nghiệp nói chung đã và đang lan rộng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó nông nghiệp là môi trường nhiều tiềm năng bởi nhu cầu của con người về các sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng cao. Chính vì vậy, sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn đã mở ra cho các nhà đầu tư khởi nghiệp một thị trường lớn, đầy tiềm năng phát triển. Mặc dù vậy, khởi nghiệp trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức như: quy hoạch tổng thể về sản xuất nông nghiệp còn bất cập, việc nông dân sản xuất theo “phong trào” còn khá phổ biến, chưa kiểm soát được việc “trồng – chặt” của người dân; khởi nghiệp nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro và tính mạo hiểm cao. Sản xuất nông nghiệp gắn liền với cây trồng, vật nuôi nên chịu sự ảnh hưởng lớn vào điều kiện tự nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu bất thường, khó mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp sợ rủi ro; kiến thức về khởi nghiệp còn hạn chế, chưa có tinh thần khởi nghiệp, thiếu tố chất doanh nhân; công nghệ thu hoạch, vận chuyển và chế biến nông sản còn hạn chế, việc kết nối sản phẩm với thị trường còn nhiều bất cập, sản xuất manh mún, phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc đầu tư công nghệ cho sản xuất và thu hoạch sản phẩm; còn hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư…
Đồng Nai là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhờ có những lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi mà ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển tích cực, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đóng góp 9,6% trong tổng GRDP toàn tỉnh năm 2023, tăng trưởng bình quân 5 năm qua khoảng 3,8%.
Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 29/4/2022, gắn với thực hiện nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để thực hiện “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025”. Một số các mô hình tiêu biểu như: Toàn tỉnh hình thành 419 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 37 ngàn ha. Loại hình công nghệ cao được ứng dụng nhiều hiện nay, gồm: giống, công nghệ tưới tự động, bán tự động; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trồng cây trên giá thể; công nghệ chuồng lạnh kết hợp chăn nuôi bán tự động và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh. Phát triển nông nghiệp hữu cơ được tập trung triển khai. Đến nay, đã hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với 1,5 ngàn ha và 09 mô hình được chứng nhận hữu cơ, diện tích 28,7 ha. Ngoài ra, có 107 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, với 866 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 626 ha so năm 2021. Các mô hình tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi gà của Công ty TNHH Trịnh Đăng Khôi, quy mô 200.000 gà đẻ thương phẩm, sử dụng hệ thống điều khiển tự động trong khâu: cho ăn, vận chuyển phân, theo dõi nhiệt độ, ánh sáng, phân loại đóng gói trứng; phụ phẩm trong chăn nuôi của trang trại được sản xuất phân hữu cơ và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống – thức ăn – giết mổ – chế biến – tiêu thụ của Công ty TNHH Koyu & Unitek: xây dựng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GMP, HACCP, FSSC 22000 theo yêu cầu của Nhật Bản; bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp giết mổ từ 750 – 800 ngàn con và xuất khẩu 250 – 300 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Mô hình sản xuất rau, dưa lưới công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco – Chi nhánh tại Đồng Nai với quy mô 83,9 ha, có quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ và xây dựng được hệ thống tiêu thụ chủ động, ứng dụng nhà kính, hệ thống tưới công nghệ Israel. Mô hình sản xuất dưa lưới và rau các loại của Công ty TNHH Trang trại Việt tại huyện Xuân Lộc, diện tích 3 ha với 36 nhà màng; các loại rau, củ quả được trồng trên giá thể, phân hữu cơ vi sinh, hệ thống tưới tự động; sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sử dụng ong để thụ phấn hoa và diệt trừ sâu hại; sản phẩm dưa lưới đã cấp chứng nhận OCOP 3 sao, cung cấp cho hệ thống siêu thị 60 tấn/tháng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Hợp tác xã DVNN Thuỷ sản Thành Công tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch với quy trình ba sạch (nước sạch – giống sạch – đáy ao sạch), quy trình nuôi theo hình thức 3 giai đoạn (cho ăn tự động, có hệ thống giám sát chất lượng nước, nhiệt độ và môi trường ao nuôi), diện tích nuôi 4 ha cho sản lượng thu hoạch 191 tấn/năm, doanh thu 21,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 3,5 tỷ đồng/năm…
Phát triển 09 mô hình chứng nhận sản xuất hữu cơ, diện tích 28,7 ha, bao gồm: hồ tiêu hữu cơ 3,5 ha; sầu riêng, bưởi dưa hấu, ổi, đu đủ 18,2 ha; ớt, rau các loại 7 ha; ngoài ra có 17,8 ha hồ tiêu, 03 ha rau đang trong giai đoạn chuyển đổi để chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ được tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn giá sản phẩm thông thường từ 10-15%. Các mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng rau của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất: quy mô 16 ha sản xuất theo hướng hữu cơ trong đó 0,5 ha sản phẩm rau được chứng nhận hữu cơ. HTX đầu tư thiết bị công nghệ chế biến để nâng cao giá trị, sản phẩm được tiêu thụ qua dịch vụ du lịch của hợp tác xã; Mô hình sản xuất cây ăn trái của HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu: 35 ha sản xuất theo chuẩn hữu cơ, trong đó 15 ha được chứng nhận hữu cơ, gồm các sản phẩm bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ; sản lượng trên 100 tấn/năm; Mô hình sản xuất ớt hữu cơ của HTX cây giống Bon sai Long Phước, huyện Long Thành: diện tích sản xuất 01 ha ớt đạt chứng nhận hữu cơ xuất khẩu đi Đức, Pháp, Canada.
Trong giai đoạn 2021-2023, đã hỗ cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí, chế biến thực phẩm, may công nghiệp với tổng kinh phí hơn 2,74 tỷ đồng.
Dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh, toàn tỉnh có khoảng 257.477 máy móc, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp lâm thủy sản; trong đó các loại máy chủ yếu được sử dụng rộng rãi như: máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc, máy xay lúa, hệ thống cho ăn tự động, bán tự động…. Cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch đáp ứng cho khoảng 90% diện tích. Trong những năm gần đây, dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, bón phân qua lá và quản lý đồng ruộng đang phát triển mạnh, chủ yếu tại các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm lúa, bắp, chuối, sầu riêng, cao su, tiêu biểu như huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp
Để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục: Bám sát định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo; hằng năm đề xuất kết nối, hỗ trợ dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm OCOP, công nghiệp chế biến sâu nông sản và phát triển dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần đảm bảo chỉ tiêu đề ra; Triển khai các chính sách hỗ trợ lĩnh vực khoa học Công nghệ như: Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 ban hành quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 29/09/2023 của HĐND tỉnh Đồng Nai quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai tổ chức ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 25/01/2024 của UBND tỉnh) và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 (Quyết định số 379/QĐ-UBND ngày 15/02/2024 của UBND tỉnh); phối hợp các đơn vị đề xuất triển khai dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ, các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc thù gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.
T.C