Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ thanh niên tham gia phát triển kinh tế và có phong trào thanh niên khởi nghiệp cao và sôi nổi ở khu vực nông thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hoạt động hỗ trợ thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng trong khởi sự doanh nghiệp, lập thân, lập nghiệp xung kích phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tham gia xóa đói giảm nghèo luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Thanh niên nông thôn huyện Nhơn Trạch khởi nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Hỗ trợ thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu

Theo Tỉnh đoàn Đồng Nai, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” gắn với phong trào “Tuổi trẻ Đồng Nai chung tay xây dựng nông thôn mới” thời gian qua được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên. Qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Qua đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên toàn tỉnh trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu đẹp.

Xác định vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng trong lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp sẽ luôn là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và “dài hơi” của tổ chức Đoàn đối với Đảng, Nhà nước và thanh niên. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên nông thôn vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp; từ hiệu quả phong trào mang lại đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên.

Các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp như: tổ chức các hội chợ, sàn giao dịch việc làm cho thanh niên, tạo cầu nối đáng tin cậy giữa doanh nghiệp và lao động trẻ nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức tư vấn cho hội viên, thanh niên, sinh viên cách làm hồ sơ vay vốn để học tập, sản xuất, tranh thủ mọi nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ban ngành, đoàn thể để tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nông thôn; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm….. Trong giai đoạn 2020 – 2024, các cáp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức 116 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp;Hỗ trợ cho 41 dự án vay vốn để mở rộng, phát triển dự án nông nghiệp của thanh niên với số tiền 1,170 tỷ đồng từ Quỹ “Đồng hành với Thanh niên tỉnh Đồng Nai”; Phối hợp với Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên hỗ trợ 02 dự án với số tiền 120 triệu đồng (không hoàn lại) từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh duy trì 259 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý, tổng số tiền dư nợ trên 548.183 triệu đồng cho 16.678 hộ vay vốn; ngoài ra, các cơ sở Đoàn còn duy trì, hướng dẫn đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Doanh nhân trẻ…

Phát triển mô hình nông nghiệp trong đô thị tại TP.Long Khánh.

Đoàn cấp cơ sở tiếp tục duy trì thường xuyên phong trào giúp nhau làm kinh tế với nhiều hoạt động như: vần đổi công, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tham quan, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ kỹ thuật các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên nông thôn có thêm nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại quê hương.

Tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp

Có thể nói, hơn bao giờ hết, thanh niên Đồng Nai đang có được một môi trường hết sức thuận lợi để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc, hỗ trợ từ các cấp, các ngành và những thuận lợi từ công nghệ số. Việc áp dụng thương mại điện tử, cũng như ứng dụng công nghệ vào công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp người trẻ rút ngắn được thời gian kết nối với thị trường, người tiêu dùng, đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt, công nghệ hay thương mại điện tử mang đến thanh niên khởi nghiệp, sản xuất nông sản những cơ hội thị trường mới thông qua các cách tiếp cận mới, hiện đại khi hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang dần chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang mua sắm online trên các nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Cùng với đó, sự hỗ trợ từ công nghệ AI (điển hình như công cụ ChatGPT) giúp người trẻ có thể truy xuất thông tin nhanh hơn, chính xác hơn về những phương thức, cách làm hiệu quả trong quá trình học hỏi, tìm hiểu kiến thức mới để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài những thuận lợi từ các nền tảng số mang lại, các công cụ được số hóa để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng mang lại không ít những thuận lợi cho nhà nông nói chung và người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, một số công cụ hỗ trợ tiêu biểu được các cấp bộ Đoàn phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai, áp dụng thành công tại tỉnh Đồng Nai có thể kể đến như: Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), công nghệ đèn LED hỗ trợ canh tác trong nhà đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu, người máy (Robot) đang thay việc cho nông dân thường làm, tế bào quang điện (Solar cells), thiết bị bay không người lái (Drones) hỗ trợ phun thuốc trừ sâu với định lượng chuẩn và các vệ tinh (satellites) được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại,….

Nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động, chương trình nhằm định hướng thanh niên tham gia chuyển đổi số, số hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 vào các quy trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, marketing, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… đã từng bước giúp thanh niên nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tối ưu lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội cho thanh niên nông thôn, và qua đó cũng nâng tầm sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà. Một số chương trình cấp tỉnh tiêu biểu có thể kể đến như: Chương trình “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp”, Cuộc thi “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp, Hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP”, Hội thi “KOLs chung tay xây dựng thương hiệu OCOP”, Ngày hội “KOL Livestream bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng thương mại điện tử”, Chương trình triển khai quảng bá sản phẩm, đồng bộ hóa bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm OCOP Đồng Nai trên các sàn thương mại điện tử, tập huấn ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động livestream tư vấn, bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng số và trang thương mại điện tử…..

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo thêm động lực cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng dự thảo Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2030, dự thảo đã có sự thống nhât của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và đã có Tờ trình trình Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, chấp  thuận chủ trương triển khai Đề án. Mục tiêu Đề án hướng đến là hỗ trợ về vốn với tổng kinh phí 60 tỷ đồng với cơ chế ưu đãi dành riêng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thanh niên.

Kết quả, trong 03 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có 3.154 thanh niên tham gia khởi nghiệp, trong đó có 2.221 thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và 152 thanh niên là chủ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác thanh niên. Nhiều đoàn viên, thanh niên nông thôn đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thanh Cảnh