Chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm, nhằm khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn; qua đó tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn; đồng thời cũng là cơ hội khởi nghiệp cho nông dân cùng mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Có 06 nhóm sản phẩm dịch vụ được phát triển theo chương trình OCOP bao gồm:
– Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến.
– Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
– Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.
– Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.
– Lưu niệm – nội thất – trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,… làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng.
– Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,…
trên cơ sở bộ tiêu chí đề ra, tiến hành đánh giá xếp hạng các sản phẩm theo 5 cấp như sau:
Hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;
Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;
Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao;
Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao;
Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao
Đối với các sản phẩm từ 3 sao trở lên, sẽ được tham gia các chương trình hỗ trợ như: miễn phí hoạt động xúc tiến thương mại, được quảng cáo, tiếp thị sản phẩm tại sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế.
Đối với các sản phẩm được tỉnh Đồng Nai lựa chọn tham gia vào chương trình OCOP, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các đơn vị chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ vốn, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại, …
Trà Phú Hội – một sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng khi tham gia chương trình OCOP
(nguồn Baodongnai)
Một số sản phẩm của các startup trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thể đăng ký tham gia chương trình OCOP như: dầu gội thảo dược của công ty TNHH Calm, trà Phú Hội của CLB Thiên nhiên (Nhơn Trạch), cơm rượu cuả cơ sở Tám Điệp, chuối sấy tại Thống Nhất, …
Khởi nghiệp cùng OCOP chính là găn kết đổi mới sáng tạo, đưa hàm lượng khoa học công nghệ và các công cụ quản lý mới, tiên tiến vào các sản phẩm này để thổi hồn cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của thị trường.
Các ưu đãi từ chương trình OCOP – chính là cơ hội rất tốt cho các startup khởi nghiệp ở vùng nông thôn hoặc có sản phẩm gắn liền với đặc trưng của vùng miền trong tỉnh nhằm phát huy lợi thế có sẵn. Góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nguyễn Hoàng Tuấn.