VAI TRÒ HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI CUNG CẦU CÔNG NGHỆ GẮN VỚI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Ngành nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, nông nghiệp đang được quan tâm đầu tư xứng tầm để giải quyết những điểm nghẽn từ lâu còn tồn tại. Một trong những vấn đề cốt lõi đó là đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Ứng dụng tốt khoa học công nghệ mới sẽ tạo nên giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp.

Trong điều kiện sống chung với dịch bệnh Covid-19, cùng với sức ép của biến động thị trường, biến đổi khí hậu làm cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản ngày càng trở nên khó khăn hơn. Lúc này khoa học và công nghệ giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, đây là yêu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong các hoạt động: sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại hàng hóa nông sản. Trong giai đoạn hiện nay, thành tựu khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đó không chỉ yêu cầu mà còn là xu hướng tất yếu.

“Để thúc đẩy tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có sản phẩm tăng trưởng giá trị gia tăng cao hơn, vai trò của ngành khoa học và công nghệ là rất quan trọng. Thứ nhất, đòi hỏi phải đưa các sự kiện kết nối cung cầu của ngành khoa học và công nghệ kết hợp tổ chức tọa đàm để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ cũng như là chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất đến cho các tổ chức, cá nhân làm nông nghiệp. Thứ hai, cần tổ chức giới thiệu sản phẩm, công nghệ có thể ứng dụng ngay, hỗ trợ các chương trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển trong thời gian tới” là chia sẻ của ông Lý Minh Hùng – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom).

Khảo sát nhu cầu tiếp cận công nghệ trong hội viên, nông dân

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này có nhiều công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp, tập trung vào công nghệ IoT, công nghệ sinh học. Đặc biệt trong những năm gần đây, công nghệ sinh học được đưa vào thực tiễn sản xuất trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, xử lý môi trường, công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn như là tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp chế biến tạo thành phân bón hoặc xử lý nước thải ao nuôi thủy sản tuần hoàn tái sinh, ứng dụng các quy trình nuôi mới, giúp bà con nông dân tiết kiệm nhiều kinh phí trong đầu tư sản xuất, giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận đầu ra.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nếu được chuyển giao theo đúng hệ thống của từng cấp ngành chuyên môn, chắc chắn giúp ích cho bà con nông dân trong nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy vậy, khó khăn về đầu ra nông sản đặt ra bài toán khác, đó là lựa chọn đối tác tham gia chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, cũng từ đây đặt ra bài toán khoa học công nghệ nào phục vụ bảo quản sau thu hoạch và chế biến. Vì sản phẩm nông nghiệp ngoài tiêu thụ tươi còn một lượng không nhỏ cần nghiên cứu chế biến tạo nên sản phẩm giá trị gia tăng mới. “chúng tôi rất mong muốn các cấp các ngành có cơ chế hoặc chương trình hỗ trợ cho bà con nông dân về đầu ra cho sản phẩm, cũng như việc chế biến nâng cao giá trị cho cây bưởi đào tại tổ hợp tác chúng tôi, để tránh tình trạng được mùa mất giá, khiến nhiều hộ dân ở đây phải chặt bỏ cây bưởi, chuyển đổi sang một cây trồng khác” là những lời bộc bạch của bà Nguyễn Thị Hương – thành viên tổ hợp tác cây Bưởi (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).

Để góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, điều này đòi hỏi cần tạo nên một môi trường khoa học và công nghệ có tính đặc trưng, làm điểm kết nối cung cầu công nghệ phục vụ cho các chủ thể tham gia. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có không ít các Viện, trường, trung tâm chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ …, tuy vậy câu chuyện gặp nhau giữa cung và cầu công nghệ cũng chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Khôn – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển dược liệu ETZ cho hay: “từ một ý tưởng để đưa ra sản phẩm cần trải qua rất nhiều giai đoạn.Thứ nhất là từ giai đoạn làm nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm, đó là vai trò của nhà khoa học, từ chỗ hình thành nên sản phẩm cho tới thực tế triển khai được ra thị trường đó là giai đoạn phải chuyển giao qua giai đoạn sản xuất thử nghiệm, rồi mở rộng quy mô. Ở các trường đại học thì mới chỉ ra sản phẩm ở trong phòng thí nghiệm, còn thử nghiệm thị trường để xem sản phẩm đó nó khả thi hay không, có thể mở rộng quy mô sản xuất, sản xuất thực tế xem có giữ mức chi phí hợp lí để đưa sản phẩm ra thương mại hay không thì đó là vấn đề mà chưa có sự kết nối giữa các hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp”.

Khoa học và công nghệ có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu sản phẩm mới và đưa sản phẩm vào thương mại, điều đặc biệt có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay. Thực tế cho thấy hoạt động chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra còn chậm so với nhiều nơi khác.  Hiện nay vấn đề chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp sẽ đổi mới được công nghệ và tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Trên thực tế hoạt động chuyển giao công nghệ mới chỉ tập trung vào khu vực thành thị, các khu vực miền núi, nông thôn hoạt động chuyển giao công nghệ còn ít, việc này có một yếu tố là cơ sở hạ tầng về công nghệ chưa được đầy đủ, cho nên các doanh nghiệp cần công nghệ và doanh nghiệp có công nghệ, ít có cơ hội được tiếp xúc gặp nhau. Bên cạnh đó trên thực tế các đơn vị làm các dịch vụ về chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ và kết nối cung cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa phát triển. Đây là lí do cho các hoạt động, số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ít. Một vấn đề nữa là năng lực về công nghệ của các đơn vị doanh nghiệp mà muốn tiếp cận về công nghệ thì năng lực của họ cũng còn thấp, vốn đầu tư nhỏ, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vốn đầu tư rất nhỏ. Do đó cần phải có cơ chế để vay vốn; hỗ trợ vốn từ ngân hàng hoặc hỗ trợ khác từ nhà nước từ đó mới thúc đẩy họ tiếp cận công nghệ mới. Thêm nữa bản thân các doanh nghiệp từ nội tại phải thấy nhu cầu cần thiết phải đi tìm kiếm công nghệ để chuyển giao hoặc tiếp nhận công nghệ mới.

Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến do Sở KH&CN quản lý

Hàng năm, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với cá cơ quan ban ngành có liên quan tổ chức các hội chợ công nghệ, techmart, techdemo, techfest, tổ chức sàn giao dịch công nghệ trực tuyến nhằm tăng cường việc kết nối và trao đổi công nghệ giữa các tổ chức cá nhân với nhau. Các hoạt động này trong thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh vì công nghệ cũng là một loại hàng hóa, chỉ khác đây là hàng hóa vô hình. Một yêu cầu đặt ra là làm sao hàng hóa này sau khi các viện,  trường tạo ra hoặc các doanh nghiệp mà người ta có công nghệ đã được thương mại hóa, phải được đưa ra trao đổi mua bán trên thị trường, đó chính là thị trường khoa học công nghệ. Mỗi sản phẩm mới được ra mắt trên thị trường đều là những kết quả nghiên cứu sáng tạo của một đơn vị kinh tế, nó cũng đại diện cho một sự sáng tạo mới, sự chuyển tải khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Thế nên việc tạo nên nhiều điểm kết nối cung cầu công nghệ, hoặc vườn ươm công nghệ, không gian sáng chế, chính là giải pháp tốt thúc đẩy khoa học và công nghệ ứng dụng rộng rãi hơn.

Thực tế khoa học và công nghệ cũng là sản phẩm hàng hóa nhưng là loại hoàng hóa đặc biệt, nên việc chuyển giao và ứng dụng cũng rất khác biệt. Vậy làm thế nào giúp cho các tổ chức các nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nông nghiệp tiếp nhận và ứng dụng thành công  công nghệ. Vấn đề ở đây chính là khả năng, năng lực thẩm định và tiếp nhận công nghệ của các doan nghiệp nông nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh. Do đó, vai trò của các đơn vị làm dịch vụ đánh giá, thẩm định công nghệ là rất quan trọng, để đảm bảo khả năng thành công trong chuyển giao công nghệ. Một vấn đề cần lưu ý là trong chuyển giao công nghệ, cần hướng đến tư duy cả hai bên cùng phải thắng, tức là cả 2 bên cùng phải thực hiện chuyển giao: một bên là chuyển giao, một bên là tiếp nhận, và cả hai bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau để sản phẩm có áp dụng công nghệ được chuyển giao phải tiêu thụ được trên thị trường và sản phẩm này tiêu thụ trên thị trường phải có lợi nhuận. Như vậy bên chuyển giao công nghệ cũng thu được chi phí, bên nhận được công nghệ thì tiếp cận được công nghệ mới, dần nâng cao năng lực công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 NTHanh