Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều hiện nay. Sau đây là tóm tắt nội dung dung trình bày của Ông Chử Đức Hoàng – Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia (Natif) với tham luận “Nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn nhà nước từ khu vực doanh nghiệp hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo” tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp, sáng tạo”..
Hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều thành phần liên quan trong Hệ sinh thái. Một trong số đó là hỗ trợ tài chính, sử dụng vốn nhà nước có 2 nhóm: thông qua các chương trình hỗ trợ và thông qua cơ chế Quỹ. Theo điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”. Một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, doanh nghiệp và có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như Quỹ SMEDF – Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quỹ NAFOSTED – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và Quỹ NATIF – Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, hai quỹ này do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Các quỹ trên đều có những đặc thù nhất định cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các quỹ này hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông thường chia thành 2 nhóm hình thức hỗ trợ: trực tiếp và gián tiếp. Hỗ trợ gián tiếp là thông qua các chương trình, vườn ươm, tổ chức trung gian, để thực hiện đào tạo, hỗ trợ, kết nối và chuyển giao. Thứ hai là hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thức này hiện nay còn hạn chế. Trong giai đoạn đầu, từ khi có ý tưởng cơ bản đến nghiên cứu ban đầu là các khoản tài trợ không hoàn lại thông qua hình thức đào tạo. Khi đã hình thành ý tưởng và có cơ sở doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận một số nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ, cho vay ưu đãi đối tượng vay hoặc bảo lãnh vay vốn.
Cơ chế hỗ trợ tăng cường năng lực từ các quỹ:
SMEDF: tổ chức hội thảo, truyền thông, đào tạo, tưu vấn, xú tiền thương mại, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đầu tư, thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ Quỹ cần đáp ứng 4 nhóm tiêu chí: thứ nhất đáp ứng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: số lao động tham gia BHXH ít hơn 200 người; tổng nguồn vốn nhỏ hơn 100 tỷ hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề nhỏ hơn 300 tỷ; lĩnh vực ưu tiên là nông nghiêp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ; Có dự án phương án sản xuất, kinh doanh khả thi phù hợp Luật Sở hữu trí tuệ , Luật chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới theo quy định; Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia lớn hơn 20% tổng vốn đầu tư và đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay. Quỹ chỉ cho vay vốn, sau đó sinh lợi nhuận thì trả tiền vay và lãi lại cho quỹ. Ngoài ra, quỹ SMEDF được dùng quỹ đầu tư phát triển đê tài trợ vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
NAFOSTED: các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia (tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam, công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế, …); cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp; bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt. Quỹ này chỉ hỗ trợ gián tiếp
Quỹ NATIF: đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong nước và quốc tế, nhân rộng phổ biến, giới thiệu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ở khu vực nông thôn, miền núi hải đảo. Hỗ trợ vốn cho nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức, cá nhân thuộc chương trình, nhiệm vụ do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ giao.
Theo ông Hoàng, 4 yếu tố để thúc đẩy cơ chế sử dụng các quỹ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo. Thứ nhất, cần thúc đẩy quá trình giải ngân NSNN cho các quỹ hoạt động; đồng thời các Quỹ cũng cần chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn kinh phí trong và ngoài nước theo quy định. Thứ hai, hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho các Startup và thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên biệt- có trình độ, chuyên môn, có tác động và có hiệu quả. Thứ ba, phối hợp với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để duy trì, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ tư, quỹ hoạt động theo định hướng chung, đổi mới, sáng tạo, phát triển, độc lập, mạnh mẽ, bền vững với khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia hùng cường hướng tới mục tiêu 2045 của Việt Nam.
Bá Mạnh