Từ 8h00 đến 11h30 sáng ngày 10/07/2021 tại TP Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Phòng G01 nhà A1 – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kết nối online với các điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia.
Hội thảo khoa học “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo” do Văn phòng Đề án 844, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội tổ chức dưới sự chỉ đạo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với sự đồng hành của Công ty TNHH Quản lý DUCAPITAL Holding, LinkStar Event & Communication cùng một số địa phương, viện, trường đại học, doanh nghiệp trên cả nước.
Hội thảo đã kết nối được với 30 Sở Khoa học Công nghệ, hơn 50 Viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước, quy tụ hơn 1000 đại biểu theo dõi trực tuyến. Trong đó, có hơn 60 bài nghiên cứu với đa dạng các chủ đề liên quan tới khởi nghiệp sáng tạo đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia gửi về Hội thảo khoa học quốc gia. Hội thảo là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, cung cấp thông tin và định hướng về các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đến nay, các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đạt được những thành tựu đáng kể. Điển hình như các giải pháp được xây dựng và đề xuất từ các chủ thể trong hệ sinh thái như trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước như: hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo; ban hành bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia hay nghiên cứu các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp spin-off từ cơ sở giáo dục,…Tuy nhiên, việc nghiên cứu đồng bộ và thống nhất ở các địa phương, vai trò của các đơn vị nghiên cứu như Viện/trường đại học trong việc đóng góp xây dựng chính sách của địa phương chưa được đề cao. Sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị nghiên cứu như Viện/trường đại học với cơ quan quản lý địa phương về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn yếu, đặc biệt là chưa có một mạng lưới thống nhất trên quy mô cả nước về việc nghiên cứu, xây dựng chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phạm Hồng Quất cho biết: “Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trong năm nay là xây dựng một mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta cần xây dựng một nền tảng mới, cách làm mới. Mọi người tham gia đều tự tìm thấy lợi ích và tự tương tác, chứ không mang tính hành chính. Hội nghị lần này nhằm liên kết giữa những người ở những khu vực khác nhau, trình độ khác nhau, những người có tâm huyết và mục đích giống nhau để tạo nên một mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; đồng thời, xây dựng quy chế mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới. Từ đó, vươn tới tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Dựa trên những bất cập còn tồn đọng, việc hình thành mạng lưới nghiên cứu sẽ giúp cho các thành phần có sự hợp tác và chủ động liên kết trên cơ sở cùng chia sẻ các nguồn lực. Góp phần nâng cao chất lượng, tạo sức ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu tại các Trường đại học trong mạng lưới, hỗ trợ, bổ sung vào chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính vì vậy, hội thảo khoa học quốc gia lần này là bước khởi đầu để hình thành một mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách thống nhất trên toàn quốc, kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu và các cơ quan quản lý địa phương.
Bá Mạnh