Sau hơn 4 năm triển khai Đề án 844, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững và từng bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Xuất phát từ mục tiêu ban đầu khi thành lập Đề án 844 là tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; thiết lập cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng ước tính khoàng 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, có thể đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã có những bước phát triển đáng kể, số lượng và chất lượng các tổ chức và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Một số vướng mắc trong cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST được điều chỉnh từ năm 2018 đến nay bước đầu đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành để tham mưu điều chỉnh cũng như tổ chức triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trước những biến động kinh tế – xã hội đầu nămg 2020, có thể dự bào nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam nhằm ứng phó với thách thức cũng như cơ hội mới của thị trường.
Ngày 31/7/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản số 2252/BKHCN-PTTTDN về việc lấy ý kiến về Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 844/QĐ-TTg gửi đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội các doanh nghiệp trong cả nước. Hồ sơ sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2020.
Đặng Bá Mạnh