Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 – 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 – 2025 với mục tiêu từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.

Livetream bán hàng trên các kênh trực tuyến

Kế hoạch nêu rõ quan điểm chuyển đổi số và kinh tế số là một công việc mới, người đứng đầu các cấp phải có kiến thức sâu rộng về chuyển đổi số, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm, thành thạo sử dụng để dẫn dắt chuyển đổi số, kinh tế số thành công. Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số làm cơ sở đánh giá cán bộ, người đứng đầu

Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: phát triển kinh tế số ICT; phát triển dữ liệu số; phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; quản trị số.

Cụ thể, về phát triển kinh tế số ICT: phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số. Doanh nghiệp công nghệ số mạnh là lực lượng sản xuất tiên tiến để phát triển kinh tế số ICT và thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Phát triển dữ liệu số: Đẩy nhanh mức độ sẵn sàng của các bộ dữ liệu chất lượng cao và thúc đẩy lưu thông, chia sẻ, mở dữ liệu; thúc đẩy việc mở dữ liệu, tích hợp, tái sử dụng, lưu thông dữ liệu và cải thiện hiệu quả nhờ đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; nghiên cứu và triển khai thí điểm các kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu và phát triển các ứng dụng số…

Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số làm cơ sở đánh giá cán bộ, người đứng đầu

Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực: Chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

Ưu tiên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn và dư địa phát triển kinh tế số gồm: Thương mại bán buôn, bán lẻ; nông nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; logistics.

Về quản trị số: Triển khai thí điểm ở các bộ, ngành, địa phương sau đó nhân rộng các nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ; hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý và các trợ lý ảo khác; hoàn thiện mô hình điều hành dựa trên dữ liệu qua Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) để phổ biến cho các địa phương.

P.Hương