Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ cao (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH&CN, về chính sách, bên cạnh việc triển khai các văn bản chủ trương, văn bản pháp lý từ Trung ương, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành 6 Nghị quyết cơ bản để thúc đẩy, tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo. Cụ thể là các Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp KHCN, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo góp phần tạo động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển đô thị thông minh và các khu trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện lộ trình mục tiêu giảm phát thải các-bon và phát triển hệ sinh thái công nghệ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, cần tạo điều kiện thúc đẩy việc đầu tư trực tiếp, tham gia đầu tư, đặt hàng về công nghệ, giải pháp công nghệ, giải pháp xử lý vấn đề từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước lớn, từ đó tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo sự cạnh tranh phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước lớn trên địa bàn tỉnh cần tiên phong, giữ vai trò động lực, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp KHCN, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số.
Chủ động liên kết với nhau cùng phát triển trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, hiệp hội, hội doanh nghiệp doanh nhân trên địa bàn tỉnh; đồng thời các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc tham gia gắn kết cùng nhà nước trong các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tham gia và đề xuất cùng nhà nước những vấn đề cốt lỗi, đột phá cùng giải pháp trong quy hoạch phát triển địa phương.
Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các quy định của Trung ương về KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, áp dụng quản lý tiên tiến; chủ động quyết sách các vấn đề của địa phương theo thẩm quyền trên cơ sở thống nhất liên ngành về quan điểm, hướng xử lý với mục tiêu tạo sự đột phá, thúc đẩy một cách hiệu quả phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần có cơ chế đầu tư, tiêu dùng nhà nước gắn với tận dụng các hình thức tuyên truyền hiệu quả, nhanh chóng một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ nhanh chóng, thúc đẩy cho phát triển công nghệ, tạo thị trường cho mô hình, ý tưởng, doanh nghiệp phát triển công nghệ.
Chuyển mạnh từ tư duy quản lý sang tư duy phát triển dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội bắt đầu từ hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước, kịp thời xây dựng, triển khai các cơ chế chính sách phù hợp với địa phương; huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, tạo thị trường, kích cầu thông qua các tiêu dùng của nhà nước đối với các đặt hàng về công nghệ ứng dụng…
Thanh Cảnh