Để đáp bắt nhịp xu hướng phát triển công nghệ số, công nghệ hiện đại hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang có nhiều nỗ lực xây dựng hạ tầng số từ tỉnh đến cơ sở.
Ðồng Nai thí điểm triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh và hai trung tâm điều hành tại thành phố Biên Hòa
Hạ tầng viễn thông cố định băng thông rộng cáp quang đã được thiết lập đến 100% các ấp, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu kết nối internet băng thông rộng, tốc độ cao tới các ấp, làng, trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng trên toàn tỉnh.
Hạ tầng viễn thông di động: Trên toàn tỉnh có khoảng 3.520 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G/5G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, thôn/khu phố của các xã, phường góp phần đảm bảo thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền địa phương phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu người dân.
Hạ tầng Internet: Hạ tầng Internet băng thông rộng cũng được phủ tới 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt khoảng 86%.
Đồng Nai hiện đã triển khai 100% mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đến tất cả các cơ quan từ tỉnh đến xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Năm 2023, tỉnh sẽ triển khai kết nối trực tiếp mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đối với cấp xã.
Đồng Nai hiện đã triển khai 100% mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đến tất cả các cơ quan từ tỉnh đến xã
Trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) được xây dựng và đưa vào vận hành thống nhất, đồng bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, là nơi lưu trữ và xử lý thông tin tập trung, đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu của tỉnh và của các ngành. Kết nối mạng thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Góp phần chia sẻ, khai thác hiệu quả các ứng dụng CNTT; đảm bảo hạ tầng công nghệ tiên tiến, chất lượng để cung cấp triển khai các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cho lãnh đạo, các dịch vụ công trực tuyến hoạt động trên môi trường mạng, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2022-2025, tổng kinh phí dành cho chuyển đổi số của tỉnh Ðồng Nai là hơn 1.600 tỷ đồng từ vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp. Tỉnh Đồng Nai hiện đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về chuyển đổi số; tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 40%, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến hơn 30% trong năm 2023. Ðể đạt mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025, Ðồng Nai cần phải nỗ lực vượt bậc, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, phù hợp với tình hình từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị; tập trung cải thiện những chỉ số theo DTI còn chưa đạt yêu cầu. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật và an toàn thông tin, nâng cao khả năng kết nối, truy cập của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần làm đủ bước, đúng các nội dung, quy trình, quy định; tăng cường năng lực nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, trong thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Ðồng Nai đã đạt được nhiều kết quả trên ba trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên địa bàn đang có khoảng 1.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6.400 thành viên. Ngoài ra, Ðồng Nai còn thí điểm triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh và hai trung tâm điều hành tại thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Ðồng thời, kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư theo Ðề án 06 của Chính phủ. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thảo Quế