Tổ hợp tác sản xuất ong mật ấp 6 nuôi ong mật theo hướng bền vững

Định Quán là một huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Đồng Nai, có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Tạo hóa đã ưu ái dành tặng vùng đất nơi đây một hệ sinh thái đa đạng, quanh năm cây cối tốt tươi. Nét độc đáo đó khiến cho nghề nuôi ong lấy mật nơi đây phát triển thuận lợi và thành công hơn so với các địa phương khác.

Làm giàu từ nghề nuôi ong mật

Nghề nuôi ong xuất hiện ở Định Quán từ cách đây hơn 20 năm về trước, lúc đầu chỉ có ít hộ nuôi để lấy mật dùng trong gia đình, chưa ai nghĩ phát triển thành nghề cho thu nhập cao. Anh Lê Đình Hóa (xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật. Nhận thấy huyện Định Quán có nhiều tiềm năng và điều kiện lý tưởng cho ong mật tự nhiên phát triển thuận lợi, nên ngay sau khi tốt nghiệp THPT anh đã chọn nghề nuôi ong để lập nghiệp. Anh đầu tư đóng thùng, mua giống nuôi ong chuyên nghiệp, vừa nuôi vừa phải đi học hỏi kỹ thuật từ khắp nơi. Kỹ thuật nuôi ong do anh Hóa học được, áp dụng kịp thời vào đàn ong của gia đình đã cho nguồn mật ổn định và sinh lãi. Mật ong do anh hóa nuôi và thu hoạch có chất lượng thơm ngon, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh với thương hiệu mật ong Ngọc Hoa.

Không chỉ chăm lo cho đàn ong của mình, đầu tư lai tạo giống mới, anh Hóa đang trực tiếp hướng dẫn và phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Phú Lợi, huyện Định Quán. Nhờ đó, nghề nuôi ong góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, trở thành sản phẩm hàng hoá chủ lực của huyện. Trong điều kiện đàn ong đang được nhân đàn với tốc độ nhanh, kéo theo lượng mật dồi dào thì điều trăn trở của người nuôi ong hiện nay là quảng bá thương hiệu cho mật ong và tìm kiếm thị trường ổn định.

Bên cạnh đó sự thay đổi về thói quen canh tác của người dân nên môi trường sống của đàn ong bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho người nuôi ong nhỏ lẻ. Anh Hóa chia sẻ kinh nghiệm: “Ngày xưa, nuôi ong không tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít chủ yếu là tận dụng điều kiện tự nhiên của thiên nhiên ưu đãi, chỉ cần có phương pháp kỹ thuật phù hợp là cho nguồn mật ổn định. Tuy nhiên, hiện nay do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều trong quá trình canh tác nông nghiệp dẫn đến môi trường sống của đàn ong ít nhiều cũng ảnh hưởng. Vì thế người nuôi ong phải đầu tư nhiều về nhân công và vật tư phục vụ đàn ong, đồng thời phải duy chuyển nhiều nơi từ bắc tới nam – bất cứ nơi nào có nguồn hoa phong phú, có thể tạo ra nguồn mật tự nhiên là người nuôi ong chuyển đến. Trong quá trình di chuyển như vậy, khó khăn nhất của người nuôi ong là khi di chuyển đến địa phương mới nhiều người dân họ không hiểu gì về con ong và cho rằng là con ong phá hoại hoa màu nên gây khó khăn cho người nuôi ong”.

Liên kết để cùng phát triển

Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, cần củng cố thương hiệu ngày càng vững mạnh, phải liên kết lại, người nuôi sẽ hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Năm 2014, trên tinh thần tự nguyện và tự chủ, anh Hóa đã cùng các hộ nông dân trên địa bàn xã hợp tác và gây dựng tổ hợp tác sản xuất ong mật ấp 6, kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nghề ong, nâng cao giá trị sản phẩm, cùng nhau xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong. Anh cũng đã chủ động kết nối thị trường, không chỉ bán sản phẩm mật ong cho gia đình mà còn giúp đỡ các thành viên khác trong tổ hợp tác nuôi ong mà anh đang tham gia với vai trò Tổ trưởng.

Sản phẩm mật ong Ngọc Hoa của tổ hợp tác

Anh Hóa cho biết: “Hiện nay tổ hợp tác có 12 thành viên tham gia, với hơn 3000 đàn ong. Để Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và kết nối được đến tất cả các thành viên, chúng tôi đã thành lập Ban điều hành Tổ hợp tác gồm 03 thành viên (01 trưởng, 1 phó và 01 thư ký), tiến hành họp định kỳ, bàn giải pháp về triển khai với các thành viên trong tổ hợp tác. Tổ hợp tác luôn nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên, từ đó đinh hướng sản xuất nuôi ong chất lượng cao, triển khai xây dựng tem nhãn thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong của địa phương”.

Bên cạnh đó các thành viên tổ hợp tác thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm của các trung tâm khoa học, hội, nhóm đang dần giúp mật ong của tổ hợp tác xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm mật ong của tổ hợp tác đã có thương hiệu và ngày càng phát triển mạnh trên thị trường. Việc liên kết các hộ sản xuất theo hướng chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Tổ hợp tác sản xuất ong mật ấp 6 sẽ góp phần đưa sản phẩm mật ong của địa phương ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Với hướng đi đúng đắn sẽ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong, cải thiện đời sống kinh tế cho thành viên tổ hợp tác, đồng thời đóng góp vào thành công trong chương trình gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm, phát triển kinh tế xứng tầm với tiềm năng lợi thế của địa phương./.

Xuân Duy