Thành công nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

 

Hiểu được giá trị mà khoa học kỹ thuật (KHKT) mang lại, ông Đinh Công Tâm – xã Túc Trưng, huyện Định Quán và ông Trương Thanh Khoan ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú đã không ngừng học hỏi ứng dụng nó vào sản xuất để cải tiến năng suất và chất lượng cây trồng.

 Sản phẩm từ cây gió bầu của tỷ phú nhà nông Trương Thanh Khoan 

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc, năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, nhiều bà con đã chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) đang được coi là khâu tạo sự đột phá.

Trong những năm qua, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Từ đó, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Như trường hợp của ông Đinh Công Tâm, ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán là một ví dụ điển hình. Trên diện tích 2ha, ông Tâm trồng xoài ba mùa, xoài Đài Loan đỏ và xoài keo Campuchia, vì theo tìm hiểu của ông các loại cây trồng kể trên rất phù hợp với điều kiện đất đai, tự nhiên của vùng đất này. Bên cạnh sử dụng các giống cây có năng suất, chất lượng cao, ông còn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp ông tiết kiệm công lao động và lượng nước tưới so với cách tưới tiêu truyền thống, kết hợp bón phân qua đường ống giúp tiết kiệm 15-20% lượng phân bón, năng suất tăng 25-30%, chất lượng, mẫu mã trái được đồng đều. Đặc biệt, ông Tâm ưu tiên sử dụng sản phẩm hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất và chất lượng trái đều đạt ở mức tối ưu.

Nhờ ứng dụng KHKT nên nhiều nông dân đã làm giàu nhờ sp nông nghiệp 

Ông Đinh Công Tâm, xã Túc Trưng, huyện Định Quán cho biết, vườn xoài nhà ông năm nào cũng đạt năng suất cao, ổn định. Trung bình 2 ha, thu về 400-450 triệu. Sau khi trừ chi phí còn lại 250 triệu. Bản thân nhận thấy để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm mình làm ra phải sạch, theo hướng hữu cơ. Muốn vườn tốt bền vững, phân hữu cơ là chủ lực. Tùy theo cây trồng để chọn phân hữu cơ phù hợp.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tâm còn tích cực truyền đạt kinh nghiệm mà ông có được qua hơn 25 năm ứng dụng KHKT trong việc canh tác xoài nhằm giúp đỡ bà con chăm sóc vườn đạt hiệu quả.

Nếu ông Đinh Công Tâm thành công nhờ nắm vững kỹ thuật trồng xoài thì ông Trương Thanh Khoan, ngụ tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, được biết đến là người đầu tiên tạo ra chế phẩm vi sinh kích thích tạo trầm hương trên cây dó bầu đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ, Bộ Khoa Học Công Nghệ cấp bằng “độc quyền sáng chế phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm” và “Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa chế phẩm tạo trầm”.

Là người ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất, cuối cùng, ông Khoan cũng đã thành công khi chế tạo ra chế phẩm vi sinh, sau khoảng thời gian dài nghiên cứu về con kiến, thuần dưỡng nó để lấy dịch, cộng với những kiến thức về hóa sinh của người con gái trợ giúp. Chế phẩm này sau khi bơm trực tiếp lên vết thương của cây dó bầu, khiến cây dó phải tiết ra chất để bao bọc vết thương và sau 1 năm sẽ tạo ra trầm trên cây dó. Chế phẩm này, nó có tên đầy đủ là “chế phẩm kích thích cây dó tạo trầm”.

Ông Trương Thanh Khoan, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú nói về chế phẩm vi sinh khi bơm vào cây dó, loại trầm được tạo ra có giá trị cao hơn nhiều so với các loại trầm dược chế biến bằng các phương pháp hóa học. Hiện 1 kg trầm làm bằng cách này là 5 triệu đồng, trong khí đó các loại trầm khác chỉ bán được 1 triệu đồng/kg.

Với chế phẩm do mình sáng chế được, bình quân 1 tháng ông Khoan bán được 30 kg trầm kiến miếng với giá khoảng 5 triệu đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán thêm cây trầm cảnh, trầm kiểng, loại này được coi là vô giá, tùy thuộc vào thị hiếu của mỗi người, giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu/cây. Và đặc biệt gần đây, ông đã nghiên cứu, chiết xuất thành công tinh dầu trầm và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc với giá 50 ngàn USD/Lít.

Đến thời điểm này, ông Khoan đã có được thành công mà nhiều người mong muốn. Song, đối với ông dừng ở đây thôi là chưa đủ. Hiện, ông Khoan vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hơn nữa chất lượng trầm hương của mình.

H.P