Mã số vùng trồng, điều kiện cần để nông sản Định Quán “ xuất ngoại”

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng thiết yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và là chìa khóa thông hành với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Là một huyện nông nghiệp, có hàng chục ngàn hecta đất canh tác cây ăn trái, rau củ… tuy nhiên hiện nay, tại Định Quán vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng mã số vùng trồng cho các mặt hàng nông sản.

Sản phẩm trái cây phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Mỹ, Úc, Trung Quốc…

Mã số vùng trồng được hiểu là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất. Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng mục tiêu chung của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số. Mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định. Mặc dù ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng nắm bắt được xu thế thị trường, gia đình ông Phạm Văn Quý tại ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán lại là người tiên phong trong việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, đến nay tại Thanh Sơn đã có gần 300 hecta  chuối cấy mô đã được cấp mã số vùng trồng. Nên khi thị trường Trung Quốc đòi hỏi mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu cần có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, ghi rõ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam, thì việc xuất khẩu chuối của gia đình ông vẫn diễn ra thuận lợi, ngay cả thời gian nền kinh tế  bị ảnh hưởng của dịch covid-19 . Ông Phạm Văn Quý cho biết: “ Hiện nay theo hiệp định thương mại của Việt Nam – Trung Quốc, tất cả hàng hóa vào nước họ, nếu không có mã số vùng trồng, thì chỉ tiêu thụ nội địa. Nói chung nó là cái giấy thông hành đi vào thị trường khác, nó gần như cái viza cho hàng Việt Nam đi các nơi. Khi mình có sản phẩm vùng mình, thì mình làm việc với phòng nông nghiệp, thì phòng nông nghiệp là cái cơ quan tư vấn và tiến hành hỗ trợ”

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Định Quán vẫn còn nhiều rào cản khó khăn trong việc xây dựng mã số vùng trồng. Bởi quy trình sản xuất để thực hiện cấp mã số vùng trồng rất chặt chẽ, nhưng sản giá thành sản phẩm được cấp mã số vùng trồng vẫn chỉ chủ yếu bán cho thương lái, khâu tiêu thụ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, giá sản phẩm hầu như vẫn được đánh đồng với các sản phẩm khác. Chính vì vậy, nhiều nông dân vẫn chưa mấy mặn  mà về việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng. Ông Nguyễn Thanh Giang, nông dân ấp Vĩnh An, xã La Ngà, huyện Định Quán, chia sẻ: “ E dè có mỗi cái là làm ra quy trình như vậy, theo quy trình sạch, hàng sạch. Đại thể thì cái giá xuất khẩu có cao hơn tư nhân hay không? Hay là vẫn cái giá bình thường ta làm sạch cũng như làm không sạch, bán cái gía  như nhau thì cái đó cũng nan giải. Cũng mong cấp thẩm quyền có cái đầu ra, định hướng tốt, bà con cũng ủng hộ…”

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng thiết yếu

Đáp ứng yêu cầu của một số quốc gia là sản phẩm trái cây phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Mỹ, Úc, Trung Quốc…  Đến nay trên địa bàn huyện Định Quán đã có 16 mã số vùng trồng, gồm:  chuối, xoài Đài Loan xanh được cấp mã để đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… với diện tích gần 5.130 ha, tại các xã La Ngà, Thanh Sơn, Phú Túc, Suối Nho. Trong đó có 5 mã số được cấp mới và 1 mã số được tái cấp trong năm 2020. Tỷ lệ này còn  khiêm tốn so với diện tích cây ăn trái được xem là thế mạnh của Định Quán. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Quán cho biết: “ Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợi với Sở Nông nghiệp PTNT, chi cục trồng trọt và thủy lợi. Rà soát đăng ký thực hiện cái vùng trồng xoài ở Phú Ngọc, Suối Nho, Thanh Sơn, rồi Cây bưởi ở Túc Trưng, Thanh Sơn, Phú Vinh;  cây quýt ở Phú Lợi, Thanh Sơn, Phú  Túc, Suối Nho… Đồng thời, với việc  sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện tại là thế mạnh của huyện.  Sẽ tuyên truyền vận động bà con, sản xuất theo hướng hữu cơ, để đảm bảo an toàn vệ sinh  thực phẩm. Cái thứ hai, giảm dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm khi bán ra thị trường. Cái thứ ba, mời gọi các nhà khoa, các doanh nghiệp để gắn kết, liên kết với người nông dân để nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu”

Việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, Định Quán đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương. Đây cũng là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản của Định Quán có thể bước chân vào các thị trường khó tính.                                                

L.Đ