Khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái vườn

Chị Thơm giới thiệu sản phẩm sầu riêng sạch, an toàn.

Đang làm kế toán cho một khách sạn lớn trên Sài Gòn với mức lương mà nhiều người mơ ước, cách đây 4 năm, chị Đỗ Thị Minh Thơm, ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) bất ngờ nghỉ việc và “rẽ ngang” sang làm nông nghiệp với mô hình trồng trái cây sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn. Trong những tháng hè này, trung bình mỗi ngày cuối tuần, nhà vườn đón tiếp hàng trăm khách du lịch đến thăm quan và thưởng thức “đặc sản” trái cây.

Theo chị Thơm, vườn cây ăn trái của gia đình trước đây chủ yếu bán sản phẩm qua kênh thương lái nên thường xuyên bị tư thương ép giá, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Đặc biệt, sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian, nên bị đội giá lên cao.

“Ý tưởng trồng cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn đã được tôi nung nấu từ lâu, bởi mình có niềm đam mê với nhà vườn, ngoài ra hiện nay nhu cầu đối với hoạt động du lịch sinh thái vườn trong những tháng hè là rất lớn. Vườn mình rộng, nhiều loại hoa quả nên có thể làm du lịch. Làm được du lịch thì mình có thêm nguồn thu và có thể bán được trái cây”, chị Thơm chia sẻ.

Trên diện tích đất 2,5 ha của gia đình để lại, chị tập trung trồng kết hợp 3 loại cây gồm: sầu riêng, chôm chôm và măng cụt. Trong đó diện tích cây sầu riêng chiếm hơn một nửa (khoảng 300 gốc) và chủ yếu là trồng sầu riêng Ri6.

“Ban đầu mình tham gia dự án trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của UBND huyện Long Thành, sau đó tiếp tục tham gia dự án VietGAP trên cây măng cụt. Nhờ được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc theo hướng sạch, an toàn nên sản phẩm khá yên tâm về chất lượng, khách hàng tin tưởng sản phẩm trái cây của nhà vườn, nên không lo về đầu ra”, chị Thơm nói.

Dù mới làm mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái được 4 năm nay, song nhờ biết thiết kế nhà vườn phù hợp, sản phẩm trái cây sạch – an toàn, nên cứ vào dịp hè dù chưa đến vụ trái cây chín, nhưng nhiều khách du lịch đến từ Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu…đã gọi điện đặt chỗ trước.

“Mô hình cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái vườn chủ yếu tập trung ở 2-3 tháng hè khi trái cây vào mùa chín rộ. Năm ngoái mình bán vé tham quan du lịch nhà vườn là 30.000 đồng/người, với lịch trình là thăm quan chụp hình nhà vườn và ăn chôm chôm tại vườn miễn phí. Ngoài ra, khách có thể đặt các món ăn đặc sản tại địa phương. Tuy nhiên, năm nay do giá cả các loại trái cây khá cao, nên có thể giá vé cũng phải tăng lên”, chị Thơm cho biết thêm.

Ngoài sầu riêng, vườn cây ăn trái của gia đình chị Thơm còn có nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, măng cụt…

Theo chị Thơm, vào cao điểm vụ trái cây, trung bình mỗi ngày, nhà vườn của chị đón tiếp khoảng 20-30 khách tham quan, đặc biệt vào các ngày thứ 7 và chủ nhật có thể đón hơn 100 khác mỗi ngày.

Từ thực tế làm du lịch vườn, chị Thơm cũng rút ra được kinh nghiệm quan trọng để thành công. Theo chị, để làm nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch thì quan trọng nhất là phải xây dựng được thương hiệu. Để làm du lịch sinh thái vườn phải chấp nhận một vài năm đầu hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Song bù lại nhà vườn sẽ có điều kiện để xây dựng và phát triển được thương hiệu.

Không chỉ làm du lịch sinh thái vườn, hiện chị Thơm còn là Giám đốc HTX Nông sản sạch Bàu Tre, với 10 xã viên. Sản phẩm nông sản sạch của HTX đã có mặt tại các siêu thị và chợ đầu mối nông sản Dầu Giây. Đây là những kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trái cây của địa phương. Hiện tại, thương hiệu “Du lịch vườn chị Thơm” đã được khá nhiều du khách biết đến và nổi tiếng khi đến thăm huyện Long Thành.

Lê Văn