Góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

 

Khởi nghiệp với nông nghiệp là đường đi của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, để phù hợp với xu thế thời đại mới, chính những người làm nông nghiệp đã tự mình nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao giá trị sản xuất, chuyển hướng làm nông nghiệp để cho ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường, nâng cao giá trị sản xuất và khởi nghiệp bền vững.

Câu chuyện khởi nghiệp và gắn bó bền vững, luôn tìm hướng đổi mới sáng tạo, cải tiến phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp của  anh Trương Văn Mỹ, (ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc)  là một ví dụ điển hình. Anh Mỹ đã tự mình sáng tạo thành công thiết bị phun xịt khói diệt trừ sâu bệnh. Điều đáng nói, thiết bị xịt khói diệt trừ sâu bệnh của anh Mỹ làm ra tuy nhỏ gọn, đơn giản nhưng có hiệu quả các thiết bị phun xịt hiện đại đang được bán trên thị trường.  Trong vài năm trở lại đây, vườn cacao của gia đình anh cũng như bà con nơi đây được mùa hơn, trái to đều hơn, một phần cây ca cao càng già thì sản lượng càng khá, phần nữa mình cũng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc và thiết bị phun xịt khói diệt sâu bệnh do anh tự chế đã góp phần đơn giản hóa một trong các khâu chăm sóc ca cao cũng như vườn cây lâu năm của gia đình nói chung.

Bình phun xịt khói tự chế phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng của anh Trương Văn Mỹ

Xuất phát từ yêu cầu làm nông nghiệp, trồng trọt, chiếc bình phun xịt hỗ trợ tự động hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật là niềm mơ ước của gia đình anh Mỹ. Cũng đã có nhiều dịp được tham khảo tại một số nơi về chiếc máy phun xịt khói trừ sâu, thế nhưng giá thành mỗi chiếc máy phun khói khá cao (trên dưới 14 triệu đồng) thế nên vẫn nằm ngoài tầm với của gia đình anh Mỹ. Không có máy móc hỗ trợ, khâu phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây lâu năm rộng hơn 4 ha của gia đình anh Mỹ vẫn là một công đoạn khá nặng nề. Khi đất trồng cây của gia đình chủ yếu ở địa hình dốc, việc cõng nước, cõng thuốc xịt hết vườn cây cũng đã mất bao nhiêu sức lực, chưa kể đến việc phát huy hiệu quả chưa tới, do việc phun xịt thuốc nước không thể phân tán đều do các tầng lá dày vì vậy một số tầng sâu vẫn không chết hết. Hơn nữa, thời điểm phun thuốc của mỗi gia đình khác nhau nên việc côn trùng, sâu bướm gây hại giữa vườn này qua vườn kia vẫn hoạt động đều.

Để vừa bảo vệ môi trường, vừa cho năng suất cây trồng cao, khâu phun thuốc luôn là khâu mà nông dân cân nhắc nhiều nhất. Chính vì vậy, anh Mỹ lại cất công đi học hỏi thêm một vài nơi, cân nhắc với chiếc bình phun xịt khói tự động nhiều lần, anh Mỹ vẫn chưa thể bỏ ra một số tiền khá để mua máy, đổi lại, anh nuôi ý tưởng hình thành một chiếc bình xịt khói đơn giản hơn. Vậy là anh bắt tay vào với những công đoạn đầu tiên của chiếc máy phun xịt khói. Anh cho biết, tuy nhỏ gọn đơn giản nhưng chiếc bình xịt này đã hỗ trợ rất nhiều cho gia đình trong công đoạn phòng trừ sâu bệnh cây trồng. Nói thêm về quá trình làm bình xịt, anh Mỹ cũng cho biết, cũng phải chỉnh sửa nhiều lần mới hoạt động ổn định được như bây giờ.  Nhìn tổng thể,  thiết bị là chiếc bình xịt tay, bên trong chứa dung dịch thuốc bảo vệ thực vật và dầu hỏa được pha với tỷ lệ nhất định. Đầu ra của bình xịt được nối vối một ống kim loại bằng đồng, dài khoảng 2m; ống đồng được cuốn tròn thành nhiều vòng nhằm giảm tốc độ thoát ra của dung dịch trong khi bơm xả. Đồng thời trên chiếc cần cũng được gắn bộ phận tạo nhiệt, đó là chiếc đầu khò lửa được sử dụng bằng bình gas mi ni. Khi phun thuốc, đầu khò hoạt động, tạo nhiệt làm cho ống đồng nóng lên, dung dịch gồm hóa chất và dầu hôi chuyển hóa thành khói lan tỏa khắp khu vườn. Hiện giải pháp sử dụng bình xịt khói diệt sâu bệnh như của gia đình anh Mỹ đã được nhiều bà con trong vùng áp dụng như một giải pháp quen thuộc và hiệu quả diệt trừ sâu bệnh của bình xịt cũng được bà con nông dân đánh giá cao, coi đây là giải pháp diệt sâu bệnh ít tốn kém, phù hợp với mọi địa hình giúp nâng cao năng suất, thu nhập cho người làm nông nghiệp.  Tuân thủ nguyên tắc phun xịt, theo anh Mỹ phải là, đeo đầy đủ bảo hộ lao động, nhất là phải có khẩu trang, phun xịt khói theo chiều thuận gió, tốt nhất là phun xịt lùi để tránh khói thuốc bay vào người gây độc hại. Còn về hiệu quả chiếc bình xịt, trước hết là ở chi phí mua nguyên liệu làm bình chỉ tốn khoảng trên dưới 1 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với chiếc bình xịt trên thị trường, quan trọng là giảm đáng kể công lao động, nếu như trước đây, thời gian phun xịt thuốc mỗi đợt cho 4ha cây trồng là 4 công thì từ ngày có bình xịt chỉ giảm xuống còn nửa công, nhiên liệu phun xịt cũng giảm được 80% so với khi chưa có bình. Ngoài ra, do phun xịt bằng dạng khó nên có thể lan xa, diệt được sâu bệnh ở vùng lân cận.

Nhờ hạn chế được sâu hại, vườn ca cao của anh Mỹ cho thu nhập ngày một cao

Hiện anh Mỹ cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ cây ca cao của địa phương, là một trong những nông dân tiêu biểu của ấp. Để giúp bà con trong ấp cũng như câu lạc bộ có thêm giải pháp cho công đoạn phòng trừ sâu bệnh, anh Mỹ không ngại chia sẻ về chiếc bình xịt tay tự chế của mình, theo đó hướng dẫn người dân về cách thức làm bình cũng như hướng dẫn sử dụng sao cho hiệu quả.

Theo nhiều nông dân trên địa bàn cho biết, trước đây, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật luôn là một trong những khâu bà con rất ngại, vừa tốn công lao động nhiều mà hiệu quả lại không cao, sâu bệnh vẫn còn sót lại rất nhiều ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Từ khi chúng tôi được anh Mỹ chia sẻ về cách thức thực hiện và hướng dẫn sử dụng bình xịt khói bằng tay, chúng tôi đã giảm được số lượng ngày công đáng kể, hơn nữa hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cũng cao hơn.

Diệu Linh