Vận động các nguồn lực để thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Khởi nghiệp, lập nghiệp là hành trình không hề dễ dàng đối với thanh niên nói chung và lại càng khó khăn hơn đối với thanh niên nông thôn, bởi lẽ thanh niên nông thôn khởi nghiệp hầu hết dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp vốn nhiều rủi ro. Hơn nữa, một số thanh niên may mắn có nền tảng gia đình hỗ trợ ban đầu như đất đai hay thậm chí một số vốn nào đó nhưng còn nhiều thanh niên chưa có đất đai hay tài sản có giá trị khác thì sẽ khó tiếp cận nguồn vốn, vì thế con đường khởi nghiệp càng lắm gian nan.

Mô hình trồng thủy canh của thanh niên Nhơn Trạch

*Những tấm gương khởi nghiệp thành công

Nhờ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và có những hướng đi phù hợp, lại được sự đồng hành của các cấp bộ Đoàn thanh niên nên nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh tế tại địa phương.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng rau thủy canh, anh Bao Minh Quang, (ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà lưới và hệ thống trồng rau thủy canh. Tự nghiên cứu, học hỏi trên mạng về cách trồng rau thủy canh, anh Quang mua các vật liệu về lắp đặt trên diện tích 260m2, với kinh phí đầu tư khoảng 170 triệu đồng. Anh Quang chia sẻ: “Mô hình trồng rau thủy canh mang lại nhiều lợi ích và lợi nhuận, mặc dù nguồn vốn đầu tư ban đầu cho mô hình khá cao nhưng cách trồng này không chiếm diện tích đất lại tiết kiệm chi phí nhân công do không tốn công làm đất, không cần tưới, không phải làm cỏ dại, cây sinh trưởng nhanh, không phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nào nên độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”. Mô hình trồng rau thủy canh của anh Quang sau khi trừ chi phí, mỗi tháng cho lợi nhuận từ 10 – 12 triệu đồng. Thời gian tới, anh Quang cũng đang có ý định mở rộng diện tích thêm 300m2 để tăng lợi nhuận.

Chỉ với 25 triệu đồng từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, anh Phan Văn Hiền ở xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Trong quá trình khởi nghiệp, anh Hiền nhận thấy mô hình này không cho hiệu quả kinh tế cao bằng nuôi dê thương phẩm nên anh quyết định chuyển từ nuôi dê sinh sản sang nuôi dê thương phẩm. Mô hình nuôi dê thương phẩm đầu tư ít nhưng nhanh cho thu nhập, chỉ nuôi trong vòng khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng được một lứa. Nhờ chịu khó học hỏi những người đi trước và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, dần dần anh Hiền đã biết cách chăm sóc cho đàn dê ít bệnh và nhanh lớn. Sau hơn 2 năm chăn nuôi, từ 10 con dê lứa đầu tiên giờ đây anh đã có gần 100 con và mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

*Đồng hành với thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Thời gian qua, việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào Ðoàn. Cùng với việc nhân rộng các mô hình câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi để đoàn viên, thanh niên ở nông thôn cùng trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, Tỉnh đoàn cũng đang duy trì nguồn quỹ “Ðồng hành cùng thanh niên” để giúp thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã luôn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Trong đó, Quỹ đồng hành với thanh niên luôn được Tỉnh đoàn duy trì nhằm giúp thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế. Các dự án hỗ trợ vốn khởi nghiệp của thanh niên nông thôn đều được vay với mức từ 20 – 25 triệu đồng, lãi suất bằng 0 và thời hạn vay trong vòng 24 – 36 tháng. Nhờ những hỗ trợ thiết thực, số thanh niên khởi nghiệp thành công ngày càng tăng. Từ năm 2012 đến 2019, Quỹ Đồng hành với thanh niên do Hội Liên hiệp thanh niên  Việt Nam tỉnh quản lý đã có 63 thanh niên được vay vốn làm kinh tế với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Trong số đó đã có 40 thanh niên đã hoàn trả vốn vay trước hạn và đúng hạn. 23 trường hợp còn lại đều đang phát triển tốt nguồn vốn vay.

Huyện đoàn Nhơn Trạch trao quỹ cho thanh niên tôn giáo khởi nghiệp

Được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ đồng hành với thanh niên, anh Lữ Thành Quỳnh ở ấp Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu đã có tiền để đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị nông nghiệp để phát triển vườn bưởi, cam, quýt của mình. Anh Quỳnh cho hay, sau khi xuất ngũ trở về, được cha mẹ cho gần 1 hécta đất để làm kinh tế, nhưng vì là đất mới vừa được xuống giống, chưa có hệ thống điện, nước nên anh rất cần vốn để đầu tư chăm sóc vườn. Vì thế với 25 triệu đồng được Đoàn hỗ trợ vay không lãi suất đã giúp anh thực hiện được kế hoạch của mình. Đến nay, mô hình trồng cây có múi của anh Quỳnh cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Tỉnh đoàn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Hiện, các  cấp bộ Ðoàn duy trì khoảng 187 tổ tiết kiệm và vay vốn, hỗ trợ với dư nợ trên 180 tỷ đồng. Cùng với đó, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ giải ngân cho thanh niên vay với số tiền 300 triệu đồng. Tại nhiều địa phương tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ vốn xoay vòng, vần đổi công đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã giai đoạn 2018 – 2022 để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh với các vấn đề liên quan đến thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã.  Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập 6 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác, 172 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế của tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn. Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế trên địa bàn tỉnh đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có những mô hình kinh tế thực sự quy mô do thanh niên làm chủ. Ða phần các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp do thanh niên nông thôn làm chủ vẫn nhỏ lẻ, bấp bênh, thiếu tính liên kết và ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại. Mặc dù phong trào lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên đang rất sôi nổi và được thanh niên hưởng ứng tích cực, song, hiện nay thanh niên vẫn gặp khó khăn trong lập thân lập nghiệp do thiếu kiến thức về khởi nghiệp, quản trị, phát triển mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, hiện đang thiếu một nguồn quỹ để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp mang tính bền vững mới tạo đà để thanh niên khởi nghiệp thành công. Hiện Tỉnh đoàn cũng đang nỗ lực vận động các nguồn lực để thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

P.Hương