Khởi nghiệp doanh nghiệp trong thời kỳ “tiền vắc xin”

Vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Khởi nghiệp doanh nghiệp trong giai đoạn “tiền vắc xin”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các doanh nghiệp, hội viên và các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên có ý tưởng, kế hoạch, dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Các diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã được nghe các diễn giả là những doanh nhân tên tuổi đến từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp vượt qua các thách thức, khó khăn. Đồng thời gợi ý về những cơ hội đổi mới, khởi nghiệp trong thời kỳ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

* Vượt qua thách thức

Năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, phần lớn doanh nghiệp chỉ hoạt động, sản xuất cầm chừng, nhiều đơn hàng bị hủy, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng khan hiếm. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản.

Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn, khủng hoảng, bà Phạm Thị Bích Huệ – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần quản lý và khai thác Cảng Quốc tế Long An cho biết, khi rơi vào tình cảnh đó, doanh nghiệp phải mạnh mẽ đối mặt, phải tự cứu lấy mình chứ đừng chờ đợi ai. Bà Huệ nhớ lại: “Ảnh hưởng của Covid -19 hiện nay chưa là gì với sự khó khăn cách đây 2 năm của mình. Lúc đó doanh nghiệp gặp hỏa hoạn cháy kho hơn 30.000 m2 đã gây thiệt hại hơn 70 triệu USD. Lúc đó, mình rơi vào khủng hoảng và phải mất 1 tuần mới trấn tĩnh và lấy lại được tinh thần”. Kinh nghiệm của bà Huệ là mạnh dạn đối diện với một ý chí quật cường để tạo hiệu ứng tích cực cho công nhân viên và trước hết phải bảo toàn lực lượng, vừa xử lý khủng hoảng, vừa phải tiếp tục phát triển kinh doanh.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sài Gòn Books chia sẻ, cuối năm 2019, doanh nghiệp của ông đã đưa ra mục tiêu doanh số năm 2020 tăng gấp đôi. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến doanh nghiệp phải đối diện nhiều vấn đề trong đó có vấn đề phải đóng cửa công ty không đi làm do giãn cách xã hội. Đối diện với 1 câu hỏi đặt ra là tồn tại hay không tồn tại, ông Quỳnh đã nhận thấy trong khó khăn vẫn có điểm sáng, có cơ hội cho mình. “Tôi đã nhìn thấy rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid -19 phải phòng trường hợp phải đóng cửa không được được đi làm thì phải có giải pháp điều hành thế nào để công ty vẫn hoạt động có hiệu quả. Và tôi đã nhận ra là cần phải trở thành doanh nghiệp công nghệ,  đó là: ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ trong sản xuất, tạo ra dịch vụ và ứng dụng công nghệ để bán hàng.

Một số sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của các doanh nghiệp trưng bày bên lề buổi tọa đàm

Còn đối với bà Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch Hội đồng Quản trị & Ceo IBP, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho rằng, trong giai đoạn ổn định, thị trường thuận lợi làm cho nhiều doanh nghiệp nghĩ mình vẫn đang rất khỏe mạnh, quên đi những “bệnh” trong cơ thể của mình nhưng khi đối diện với khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp mới thấy được những chứng “bệnh”, sự yếu kém của mình mà trước đó mình chưa nhìn ra được. Do đó, Covid là một biến cố giúp cho doanh nghiệp nhận ra là cần phải tăng cường sức khỏe nội sinh trong chính doanh nghiệp của mình.

* Tìm thấy cơ hội từ khó khăn

Các diễn giả tham gia tọa đàm đều cho rằng, dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn, thách thức cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ, song bên cạnh những thách thức thì đây cũng là cơ hội cho sự đổi mới sáng tạo. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Ông Lâm Minh Chánh – Giám đốc trường Quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập cộng đồng quản trị và khởi nghiệp, Covid gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản hoặc đình trệ hoạt động. Tuy nhiên cũng nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ Covid bởi họ sản xuất, kinh doanh trong những ngành như: y tế, kinh doanh online…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, cần khuyến khích sự sáng tạo và tìm ra sản phẩm dịch vụ mới phù hợp. Hiện Công ty Sài Gòn Books của ông Quỳnh đang chuẩn bị cho ra đời một app, trong đó ngoài sách giấy có audiobooks, ebook, videobooks, podcasts…nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ông Quỳnh cũng đang đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Cũng theo các diễn giả, giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững. Bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, những cơ hội trong khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 là: cơ hội nhìn lại chính mình và xác định được giá trị của mình, điểm yếu của mình, từ đó xây dựng nội lực của mình, thay đổi mô hình kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực.

P.Hương