Sở hữu trí tuệ – công cụ nâng tầm đổi mới sáng tạo

Khi khởi nghiệp, các bạn trẻ phải có sự chuẩn bị, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa, các bạn trẻ cần phải nắm luật chơi, quy định của quốc tế để không vi phạm luật, trong đó phải nghiên cứu sâu về sở hữu trí tuệ (SHTT) và nhanh chóng đăng ký bảo hộ, xác lập quyền đối với những nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình.

Thanh niên tham quan triển lãm các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tổ chức năm 2022

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở Hữu trí Tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến sự xuất hiện một loạt đối tượng SHTT mới như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, vật liệu sinh học mới, IOT, big Data…Theo đó, chính sách, pháp luật cũng phải thay đổi, hướng đến hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện Luật SHTT sửa đổi cũng đã đưa vào những thay đổi để nhận diện được những sản phẩm đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này.

Ông Khuê cho biết: “Việc bảo vệ thực thi quyền, kể cả thực thi quyền trên môi trường số, môi trường internet là rất khó bởi những sản phẩm có thể sao chép trong tích tắc, nếu chúng ta không bảo vệ tốt thì sẽ triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo. Cục SHTT đang rà soát tất cả các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các địa phương tham mưu xây dựng những quy định phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, phát huy tối đa lợi thế của địa phương, giúp các địa phương phát triển, xây dựng được các chương trình tài sản trí tuệ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo sâu rộng”.

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ  tài sản trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các trường đại học để triển khai tuyên truyền sâu rộng về SHTT như: quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích đến các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là các bạn trẻ.

Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ với thế hệ trẻ” năm 2022 nhằm phổ biến, tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh về sở hữu trí tuệ

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng cho hay, thời gian qua, trường luôn tạo sân chơi khoa học để các bạn sinh viên có môi trường để học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Do đó, đã có rất nhiều các đề tài, các sản phẩm đổi mới sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp thành công. Từ kết quả nghiên cứu, được sự tư vấn của các chuyên gia, trường đã nhận diện được những sản phẩm, sáng kiến để tham gia bảo hộ quyền SHTT, từ đó phát huy để khai thác các quyền SHTT này.

Ông Trần Giang Khuê cho rằng, Đồng Nai làm rất tốt từ việc tuyên truyền tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức của công chúng, từ việc liên kết các sở, ngành, Đoàn thanh niên, các trường đại học trong hoạt động SHTT và đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hoạt động SHTT đi lên ở một tầm cao mới.

“Hiện đất nước chúng ta cũng đã có 4 startup kỳ lân với mức gọi vốn trên 1 tỷ đô. Đã có nhiều bạn trẻ mới 16 tuổi đã khởi nghiệp và thành công ở tuổi 22, 23 nhờ liên tục đổi mới sáng tạo. Các bạn trẻ cần phải nâng cao hiểu biết về SHTT, nắm bắt thông tin để tránh nghiên cứu trùng lặp. Đồng thời nhanh chóng đăng ký bảo hộ, xác lập quyền đối với những nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình” – ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh.

P.Hương