Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Hội đồng điều phối tỉnh, hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai đã mở rộng kết nối, tạo cảm hứng và khuyến khích được hoạt động khởi nghiệp  sáng tạo phù hợp với địa phương. Tinh thần dấn thân khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi, văn hóa khởi nghiệp được hình thành. Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng tham gia đầy tâm huyết. Công tác tổ chức mạng lưới, nuôi dưỡng, kết nối, hợp tác khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh. Nhiều ý tưởng được mạnh dạn đầu tư và khởi động kêu gọi, kết nối với nhà đầu tư.

Hoạt động khởi nghiệp tại các trường Đai học

Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thực hiện trên nhiều mặt như: hỗ trợ vốn, hỗ trợ truyền thông, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kết nối sản phẩm, cụ thể như:

Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị kinh doanh; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp và chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Riêng năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ đã hỗ trợ 697 phụ nữ khởi nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 30.560.500.000 đồng.

Tỉnh Đoàn Đồng Nai cũng thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối kinh phí khởi nghiệp đến đoàn viên thanh niên; tổ chức tập huấn, đào tạo và truyền cảm hứng khởi nghiệp đến đội ngũ đoàn viên; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp… trong năm 2022, Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng TMCP Nam Á để đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022 – 2025 và nhận bảng tượng trưng nguồn vốn 5 tỉ đồng.

Các Trường Đại học đã tổ chức liên kết với nhiều doanh nghiệp để đồng hành với giảng viên, sinh viên trong các hoạt động liên quan tới khởi nghiệp, phát triển ý tưởng cũng như giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Trong năm 2022, đã hơn 50 buổi talkshow, lớp tập huấn, nhiều cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường cho sinh viên; tạo cơ hội để sinh viên gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cùng các doanh nghiệp.

Không gian khởi nghiệp cũng được các trường đại học quan tâm đầu tư mới. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động 01 phòng trưng bày sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm công nghệ và khởi nghiệp với diện tích 200m2; Trường Đại học Đồng Nai đã xây dựng Khu sinh hoạt khởi nghiệp tại Khoa Kinh tế với không gian có sức chứa 500 người; Trường Đại học Lạc Hồng đưa vào hoạt động Khu làm việc chung về khởi nghiệp.

Các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các Trường Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghệ miền Đông, Đại học Đồng Nai cũng đi vào hoạt động sôi nổi, tạo điều kiện hỗ trợ, kết nối và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ.

Quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn khởi nghiệp ĐMST

Các Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được gần 100 dự án tham gia qua 4 lần tổ chức. Đặc biệt, Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai đã có nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được đánh giá cao; Các dự án đạt giải đã lan tỏa ra thị trường những sản phẩm sáng tạo, thiết thực, giàu hàm lượng công nghệ, nhiều sáng tạo để phục vụ hiệu quả cho sản xuất, đời sống và tiêu dùng.

Về hoạt động kết nối khởi nghiệp, trong năm 2022 đã hỗ trợ kết nối nhiều dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp, tiêu biểu như:

  • Dự án khởi nghiệp “Phòng xét nghiệm y khoa Medic Biên Hòa” được Công ty cổ phần Phòng khám đa khoa Long Bình và Tổng công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt cam kết hỗ trợ kết nối sản phẩm đầu ra: sử dụng các dịch vụ y tế và gửi mẫu xét nghiệm.
  • Dự án khởi nghiệp “Sử dụng phương pháp vật lý thay cho phương pháp hóa học trong sản xuất chả lụa” được sự hỗ trợ từ Công ty Cổ Phần Công nghệ và Đào tạo UnionTek về kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số: hỗ trợ số hóa hình ảnh sản phẩm, Hỗ trợ truyền thông, chạy quảng cáo, bán hàng; Tư vấn hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của dự án khởi nghiệp
  • Dự án khởi nghiệp “Ứng dụng Marketing và Công Nghệ để khởi nghiệp trong thời đại 4.0” được Công ty TNHH DV TM DDH sử dụng các dịch vụ của dự án khởi nghiệp như: dịch vụ thiết kế logo, bộ nhận dạng thương hiệu, dịch vụ xây dựng và quản lý website bán hàng, ….; tư vấn, đóng góp ý kiến trong quá trình sử dụng dịch vụ để dự án khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ và phát triển hơn nữa trong thời gian tới
  • Dự án khởi nghiệp “Đa dạng hóa các dạng sản phẩm trà từ nguồn nguyên liệu Xáo Tam Phân tại tỉnh Đồng Nai” được sự hỗ trợ từ Công ty cổ phần chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT về Triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất phù hợp với đặc thù doanh nghiệp; Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9001:2015, ISO 22000:2018, HACCP, … Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Dự án Tận dụng nguồn bưởi non để làm xà phòng thiên nhiên kết hợp với chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em tại địa phương của tác giả Bùi Thị Thủy

Hội đồng điều phối đã hỗ trợ các dự án đạt giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh tham gia thi Khởi nghiệp thanh niên toàn quốc năm 2022. Kết quả dự án Tận dụng nguồn bưởi non để làm xà phòng thiên nhiên kết hợp với chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em tại địa phương của tác giả Bùi Thị Thủy (H.Vĩnh Cửu) đoạt giải nhì. Dự án Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure tại Đồng Nai của nhóm tác giả do anh Thân Văn Linh (H.Trảng Bom) làm trưởng nhóm đoạt giải ba.

T.Quế