KINH NGHIỆM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHI XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP

Tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp, sáng tạo”, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái. Sau đây trình bày một số quan điểm được trình bày tại Hội thảo

 

Xác định nhu cầu của các thành phần khi tham gia vào hệ sinh thái

Ông Đàm Quang Thắng Chủ tịch Hội Đồng cố vấn khởi nghiệp Quốc gia đã chia sẻ một số kinh nghiệm và vấn đề khi triển khai xây dựng mạng lưới và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trước tiên cần xác định nhu cầu của các đối tượng và nhu cầu của cấu phần khi họ tham gia vào hệ sinh thái. Nhu cầu có thể xuất phát từ cái của người ta hoặc xuất phát từ cái người ta muốn chính yếu. Ví dụ như các startup có nhiều cái người ta muốn nhưng người ta không biết như nhu cầu vốn, cố vấn, công nghệ hoặc sử dụng nguồn lực về công nghệ, và đôi khi bản thân các startup cũng không biết họ có nhu cầu thực sự đó không và tìm nhu cầu đó ở đâu. Nhu cầu và sự sẵn sàng tham gia của các cấu phần khác như mentor (từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, …), nhà đầu tư thiên thần, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các trường đại học … cũng cần phải được phân tích, làm rõ. Theo ông Thắng, đưa các cấu phần này vào tháp nhu cầu Maslow để định hướng và lôi cuốn họ cùng tham gia vào hệ sinh thái, trong đó nhu cầu cao nhất là cống hiến, được thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Các trường đại học cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao nhận thức để tạo động lực thúc đẩy tất cả các cấu phần tham gia vào hệ sinh thái. Các nội dung đào tạo tập trung vào trang bị tư duy rõ ràng về đổi mới sáng tạo, cách tiếp cận, tư duy thiết kế, …. từ đó các đối tượng hiểu được nhu cầu, vai trò và trách nhiệm của mình trong hệ sinh thái. Khi được đào tạo và nâng cao nhận thức thì startup biết rõ nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho khởi nghiệp, các kênh thông tin, đối tượng có thể tiếp cận, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh đào tạo nhận thức, thì đào tạo nâng cao kỹ năng cho từng nhóm đối tượng liên quan như đội ngũ tài chính, đội ngũ cố vấn, …

Tiếp nối sau hoạt động đào tạo là lựa chọn mô hình hoạt động cho mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sao cho khai thác tận dụng được nguồn lực của địa phương, phù hợp với định hướng chính sách của quốc gia. Ông Thắng chia sẻ vấn đề con người rất quan trọng, cần phải có người định hướng, dẫn dắt và kết nối tất cả các thành phần lại với nhau. Khi có mạng lưới rồi, trong quá trình triển khai nên cần có điều chỉnh đánh giá thực tế, phù hợp với nguồn lực của địa phương và nhu cầu phát triển hệ sinh thái. Cần hướng tới mục tiêu, khi không còn sự hỗ trợ của nhà nước nữa thì bản thân mô hình đó và hệ sinh thái phải tự phát triển và tự sinh lợi.

Vai trò quản lý nhà nước, dẫn dắt hệ sinh thái

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội chia sẻ quá trình tham mưu cho UBND thành phố cơ chế chính sách về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố ban hành nghị quyết về các cơ chế chính sách và đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở Khoa học và Công nghệ mời nhiều chuyên gia cùng tham gia xây dựng đề án, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan. Trong quá trình triển khai đề án có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng có nhiều vấn đề gặp khó khăn. Mặc dù chính sách hỗ trợ đề ra rất toàn diện, bao quát và mức hỗ trợ cao, nhưng khi Sở Khoa học và Công nghệ thông báo tuyển chọn các dự án hỗ trợ thì trong năm đầu tiên không nhận được hồ sơ đăng ký. Lý do là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nắm thông tin và tâm lý ngại ngần khi tiếp cận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Sau đó Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố thực hiện giải pháp thông qua các tổ chức trung gian, các đơn vị tư vấn. Các tổ chức này chủ động làm việc với doanh nghiệp khởi nghiệp, tư vấn hồ sơ xin tài trợ.

Theo ông Tuấn vai trò của quản lý nhà nước là dẫn dắt hệ sinh thái. Các nhà khoa học nhiều khi chưa chủ động nắm bắt các vấn đề thực tiễn liên quan đến chính sách, thông thường là cơ quan nhà nước phải chủ động đặt hàng. Trong quá trình làm việc ở Khoa học và Công nghệ nhận thấy mảng sở hữu trí tuệ, nhận thức về sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu, năm 2021, Sở chủ động đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ: nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố và đề xuất các cơ chế chính sách giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ trên địa bàn toàn thành phố nói chung trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045. Hai đề tài này giúp cho thành phố Hà Nội có chính sách tốt phát triển tài sản trí tuệ trong khối các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp và tài sản trí tuệ thuộc về địa phương quản lý như các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.

Một trong những vướng mắc, khó khăn khi triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp các nội dung liên quan tới khoa học công nghệ dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua cơ chế tuyển chọn. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đây là ý tưởng chất xám của họ, không thể nào mang ra tuyển chọn để người khác làm cho họ được, họ muốn làm với ai là đề xuất trong hồ sơ. Thứ hai, hình thức tuyển chọn mất nhiều thời gian hơn xét chọn, dẫn tới một số trường hợp tới khi thực hiện thì tính mới đã không còn. Ngoài doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì có những doanh nghiệp thành lập rồi, trong quá trình phát triển họ có những ý tưởng về công nghệ, và có nhu cầu cần hỗ trợ để phát triển các ý tưởng về công nghệ, trường hợp này cũng cần có cơ chế để giao trực tiếp hoặc xét chọn.

Khởi nghiệp tinh gọn

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh –  Chủ tịch Viện quản trị tinh gọn GKM trình bày quan điểm cần có sự phối hợp giữa nhà nước và khu vực tư nhân để tạo ra sản phẩm công nghệ tốt cho quốc gia và tạo ra phát triển thần kỳ cho nền kinh tế. Một trường hợp điển hình là Singapore, các cơ quan tư nhân tham gia vào mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị là 1 đồng thì chính phủ trả lại 1 đồng đó. Đây là một cơ chế chính sách tốt, trên kinh nghiệm quốc tế và vận dụng phù hợp vào thực tiễn đất nước. Cần phải tận dụng phát triển cái tốt của khu vực nhà nước kết hợp với cái tốt của tư nhân, liên kết với nhau tạo thành 2 cái tốt, đó là mô hình PPP theo đặc thù Việt Nam. Khu vực tư nhân đã đến lúc phải làm nghiên cứu sáng tạo và kết nối với các doanh nghiệp tư nhân. Có những kiểu tổ chức giống của nhà nước, nhưng tư nhân đứng ra vận hành. Tất cả hoạt động vận hành giao cho tư nhân và nhà nước chỉ làm vai trò điều phối, dẫn dắt. Tư nhân hoàn toàn có thể làm với tâm trong sáng và khát vọng phát triển đất nước, cùng với khu vực công, cùng với doanh nghiệp giải quyết vấn đề lớn nhỏ và từ đó đẩy sản phẩm “Made in Việt Nam” vào thực tiễn, thay thế hàng nhập khẩu và dần định hướng xuất khẩu các hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh việc tư nhân và đưa tư nhân tham gia vào việc điều hành, vận hành các quỹ, vận hành các nghiên cứu, thương mại hóa nghiên cứu cùng với trường đại học. Để kiến tạo nên chính sách, tức là phải có chính sách mạnh để cho tư nhân có thể làm được, tận dụng nguồn lực của xã hội là đội ngũ doanh nhân. Ông Minh cũng trình bày mong muốn thông qua hội thảo sẽ kết nối nhà khoa học và cán bộ quản lý nhà nước tạo ra các chính sách tốt để khu vực tư nhân có tâm huyết, có tâm trong sáng và phát triển đất nước.

Bá Mạnh