Hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày16/6/2022 của Bộ Chính trị về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đại biểu tham quan một gian hàng khởi nghiệp làm các sản phẩm từ sen tại Đồng Nai

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Kế hoạch đặt ra là: Nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, rà soát xây dựng các chương trình, đề án mang tính đột phá về khoa học và công nghệ, đặc biệt trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến phục vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian môi giới, đánh giá công nghệ, sàn giao dịch công nghệ; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến; khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có cam kết chuyển giao công nghệ hoặc thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.

Hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường liên kết, hợp tác với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các giống cây, con, quy trình sản xuất công nghệ mới tiên tiến để áp dụng vào sản xuất như: Công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sâu sau thu hoạch…; đổi mới và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao của các tổ chức khoa học và công nghệ.

Phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phát triển hoạt động hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ; phổ biến và bảo đảm chất lượng thông tin sở hữu trí tuệ. Triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Tăng cường công tác hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương.

Nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách tài chính gắn với kết quả, chất lượng nghiên cứu khoa học. Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khai thác, phát triển giống bản địa có giá trị cao; Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình/đề án KH&CN quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và 2021-2030.

Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ  chế biến nông sản

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng hệ mã định danh địa điểm toàn cầu để định danh cơ sở sản xuất, vùng trồng theo chuẩn GS1, áp dụng truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm ngành nông nghiệp.

Kế hoạch đề ra 15 nhiệm vụ cụ thể, trong đó đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3 nhiệmvụ gồm: Đề án “Hoàn thiện chính sách để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn”; đề án “Xây dựng và triển khai chương trình KH&CN hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi giai đoạn 2026 – 2025”; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ nhân giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm.

Đến năm 2030 sẽ thực hiện hoàn thành 12 nhiệm vụ, nổi bật là nhiệm vụ về phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết, hợp tác tăng cường liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp, tập đoàn trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các giống cây, con, quy trình sản xuất công nghệ mới tiên tiến để áp dụng vào sản xuất; Phát huy vai trò hệ thống các điểm không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các điểm kết nối cung – cầu nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; Tăng cường tổ chức các hoạt động triển lãm, chợ công nghệ và thiết bị, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản; sản xuất vắc-xin, dược phẩm, thuốc thú y; bảo tồn và khai thác, phát triển giống bản địa có giá trị cao; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng…

P.Hương