Khởi nghiệp với nghề gỗ

Giao hàng tại Công ty Phương Sinh

Với hơn 20 năm lăn lộn cùng nghề sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) luôn giữ tâm niệm “tiến chậm mà chắc”. Làm tốt việc cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa là cơ sở để doanh nghiệp (DN) của chị xây dựng tiềm lực trước khi sẵn sàng xuất khẩu trực tiếp.

Hiện nay, ngoài điều hành 2 công ty sản xuất gỗ, chị Phương còn đầu tư thêm trung tâm chăm sóc sắc đẹp dành cho phụ nữ. Khi có điều kiện, chị cũng thường xuyên kêu gọi, tổ chức các chương trình từ thiện đến vùng sâu, vùng xa.

Xuất phát điểm từ xưởng mộc của gia đình, chị Phương cùng chồng đã trải qua những giai đoạn khó khăn trong nghề. Buổi ban đầu 2 vợ chồng chủ yếu làm phôi gỗ (gỗ được xẻ ra thành từng thanh vuông nhỏ dùng để làm phôi sản xuất cho các sản phẩm khác). Đầu những năm 2000, khi mới bước chân vào lĩnh vực này, vợ chồng chị gần như suốt ngày đêm lăn lộn với những đống gỗ tràm. Tối đến thì nhận gỗ tròn từ các xe chở về đến 2 giờ sáng, ban ngày lại xẻ và giao phôi gỗ đi các nơi, không lúc nào được nghỉ ngơi.

Vốn ít nên chị Phương đã tận dụng triệt để kể cả các sản phẩm phụ là bìa gỗ và mùn cưa gom chở đến các lò gạch bán nhằm kiếm thêm thu nhập. Chị đã bị nghề này cuốn vào khi nào không hay. Không chỉ đơn thuần là cưa xẻ gỗ bán phôi mà mỗi tháng 2 lần chị về H.Xuân Lộc, qua tỉnh Bình Thuận tìm vào những cánh rừng tràm để lùng mua cây. Có những ngày chị đi miệt mài trong những cánh rừng rộng vài chục hécta để đánh giá trữ lượng gỗ trước khi khai thác. “Nhiều người bảo tôi là phụ nữ nhưng làm việc còn nhiều hơn đàn ông bởi thời gian ở rừng, ở các vùng nguyên liệu gỗ tràm còn nhiều hơn ở nhà” – chị Trịnh Thị Uyên Phương kể lại.

Kiểm tra sản phẩm sau sản xuất

Xưởng gỗ của chị ban đầu chỉ có quy mô nhỏ chừng 10 nhân công, với một dàn máy cưa, nhưng sau hơn 1 năm chị đã phát triển lên gần chục dàn máy. Chỉ 2 năm sau, DN của chị đã được nhiều công ty chế biến gỗ lớn trong và ngoài tỉnh biết đến với sản phẩm phôi gỗ tràm.

Khi đã đứng được trên thị trường cung cấp phôi gỗ, năm 2005 chị Phương thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh, mở rộng thêm lĩnh vực chế biến sản phẩm mộc. Do mới bước vào nghề chưa nắm rõ quy trình sản xuất, việc bố trí lao động không hợp lý đã khiến DN của chị thua lỗ, phải vất vả tìm cách khắc phục.

Khi công việc làm ăn đang trên đường thuận lợi, thì “cơn bão” suy thoái kinh tế thế giới tràn đến khiến ngành gỗ lại tiếp tục thêm khó khăn. Những năm 2008 và 2009, hàng sản xuất ra chất đống không tiêu thụ được, phôi gỗ cũng ngổn ngang không có khách mua, trong khi đó lãi suất ngân hàng cao “chót vót”. Có lẽ do đã quen với những khó khăn nên cùng với việc xử lý công nợ, vợ chồng chị đã đưa DN thoát khỏi khó khăn và phát triển mạnh mẽ trở lại. Tới năm 2016, công việc làm ăn thuận lợi, chị đầu tư mở thêm 1 công ty mới với quy mô lớn, hiện đại hơn. Việc cung cấp hàng ngàn mét khối phôi gỗ cho các DN sản xuất đồ gỗ trong vùng cũng như gia công sản phẩm xuất khẩu ổn định từ đó đến nay.

Để mở rộng sản xuất, những năm qua, chị Phương đã chi hơn 20 tỷ đồng cho việc đầu tư máy móc hiện đại trong ngành Gỗ. Năm 2020, dù gặp biến động do dịch Covid-19, công ty vẫn đầu tư thêm dây chuyền máy móc mới trị giá 5 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho các công ty phát triển mạnh, chỉ tính riêng Công ty Phương Sinh, doanh số bán hàng hằng tháng cũng lên tới trên 10 tỷ đồng.

Hiện tại, các DN thuộc sở hữu của gia đình chị đang tạo việc làm cho khoảng 250 người. Điều đặc biệt là trong năm 2020, ngành Gỗ gặp rất nhiều khó khăn song xưởng sản xuất của chị luôn “cháy” các đơn hàng. Ngoại trừ tháng 5 khi xã hội tạm cách ly, DN sản xuất cầm chừng thì các tháng trong năm đều luôn chạy hết công suất.

“Chúng tôi đang có kế hoạch tuyển thêm từ 10 đến 150 lao động trong năm nay để phục vụ cho việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Đơn đặt hàng hiện cũng đã được ký kết đến giữa năm sau là một thuận lợi rất lớn của DN” – chị Trịnh Thị Uyên Phương chia sẻ.

Mặc dù sản xuất, cung ứng nguyên liệu gỗ của các DN do chị Phương làm chủ đang rất tốt song nỗi trăn trở của chị là vẫn chưa thực sự mạo hiểm để bước chân ra biển lớn, xuất khẩu hàng trực tiếp ra nước ngoài với thương hiệu riêng. Nguyên nhân là bởi theo chị Phương, làm ăn với các đối tác nước ngoài rất phức tạp, cần phải có người am hiểu các quy định, thông lệ kinh doanh quốc tế. Đã từng có những vụ DN Việt làm ăn trực tiếp với nước ngoài khi có sự cố thì phần chịu thiệt luôn về mình. Để tự mình phát triển lớn mạnh, trong tương lai, chị sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm nhân sự có chất lượng nhằm nâng cấp công ty.

Theo chị Phương, muốn bán hàng trực tiếp ra nước ngoài đạt hiệu quả thì cần phải làm tốt thị trường nội địa. Trước mắt, DN vẫn thực hiện phương châm “tiến chậm mà chắc”, gia công sản phẩm cho các đối tác lớn chuyên về xuất khẩu cũng là cách để học hỏi thêm kinh nghiệm, gia tăng thực lực trước khi vươn mình, trực tiếp xuất hàng đi nước ngoài. Điều mà nữ chủ DN này mong muốn là tình hình dịch bệnh trên thế giới sớm được khắc phục, hàng hóa xuất khẩu thông thương trở lại, cộng đồng DN thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh để tiếp tục thực hiện mong muốn của mình.

Thảo Quế